Phú Bình nâng cao giá trị sản xuất vụ đông

Phan Trang 09:30, 02/11/2024

Vụ đông năm nay, huyện Phú Bình phấn đấu gieo trồng 1.800ha rau màu (gồm 1.000ha ngô và 800ha rau các loại). Xác định nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông để bù đắp những thiệt hại do bão số 3 gây ra và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng triển khai nhiều giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng.

Gia đình anh Lương Văn Triển (ở xóm Đô, xã Nhã Lộng, Phú Bình) lắp đặt hệ thống tưới tự động để nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu vụ đông.
Gia đình anh Lương Văn Triển (ở xóm Đô, xã Nhã Lộng, Phú Bình) lắp đặt hệ thống tưới tự động để nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu vụ đông.

UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến người dân về việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, gieo cấy lúa mùa sớm để giải phóng đất kịp thời vụ cho sản xuất vụ đông; khuyến cáo bà con chuyển đổi diện tích cấy lúa một vụ, khó khăn về nước tưới, lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và rau màu. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, cho biết: Xác định rau màu là cây trồng thế mạnh, xã luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng, đặc biệt là trong vụ đông. Năm nay, diện tích trà lúa mùa sớm trên địa bàn xã tăng lên (đạt trên 75% trong tổng diện tích) nên ngay sau khi thu hoạch, hầu hết bà con bắt tay ngay vào làm đất để gieo trồng ngô, rau màu vụ đông.  

Để bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra, thời gian này, UBND huyện Phú Bình quyết liệt chỉ đạo việc chuyển đổi diện tích lúa mùa bị thiệt hại sang trồng các loại cây khác, chủ yếu là rau màu (toàn huyện phấn đấu chuyển được ít nhất 67% diện tích lúa mùa bị thiệt hại sang trồng cây vụ đông). 

Bà Dương Thị Chanh, ở xóm Bồng Lai, xã Thượng Đình, cho biết: Được sự định hướng của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã khẩn trương thu gom, dọn dẹp hơn 4 sào lúa mùa sớm bị ngập úng, thiệt hại để làm đất trồng ngô trên toàn bộ diện tích này.

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng vụ đông, các địa phương trong huyện tăng cường hướng dẫn người dân bố trí loại cây trồng phù hợp. Theo đó, đối với diện tích lúa mùa sớm, sau khi vệ sinh đồng ruộng, người dân trồng các loại cây ưa ấm như: ngô, khoai lang, lạc... Còn diện tích lúa mùa muộn thì định hướng trồng các loại cây ngắn ngày như: khoai tây, ngô sinh khối và một số rau, màu khác.

Người dân cũng được hướng dẫn đưa vào sản xuất các giống cây trồng có năng suất, giá trị cao. Cụ thể như cây ngô, địa phương khuyến khích trồng ngô nếp, ngô ngọt, ngô sinh khối với các giống như: HN88, NK4300, NK6639, LVN61...

Đối với cây khoai tây, người dân sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn như: Marabel, Diamant... Đối với rau màu, các giống rau ngắn ngày, rau trái vụ, rau ưa lạnh được chú trọng đưa vào gieo trồng.

Trong năm, huyện cũng tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất; phòng trừ sâu bệnh cho một số cây trồng chính.

Bà Nguyễn Thị Phiên, ở xóm Chiễn 2, xã Thượng Đình, chia sẻ: Nhờ tham gia các lớp tập huấn, tôi và các hộ trong xóm luôn chú trọng trồng cây ngô, rau màu an; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được trên 1.750ha cây vụ đông, đạt 97% kế hoạch đề ra. Các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển ổn định, đảm bảo theo khung thời vụ.

Từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu diện tích rau các loại cả năm đạt 1.980ha, tăng 50ha so với kế hoạch; năng suất rau bình quân đạt 190 tạ/ha trở lên; sản lượng rau các loại đạt gần 35.660 tấn, tăng thêm 9,5 tấn so với kế hoạch đầu năm.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền nhân dân chuyển đổi diện tích lúa bị thiệt hại sang trồng ngô, rau màu; đẩy mạnh thâm canh trong trồng rau màu, đặc biệt là tại các vùng trồng tập trung.