Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 70 mỏ cát sỏi, đất san lấp, đá và gần 20 nhà máy sản xuất gạch, xi măng, thép xây dựng, đảm bảo đáp ứng nguồn cung vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa nhiều, hoạt động xây dựng các công trình dân dụng của người dân giảm sút khiến thị trường tiêu thụ vật liệu trên địa bàn tỉnh khá ảm đạm.
Hoạt động khai thác cát sỏi tại Mỏ cát An Phú (TP. Phổ Yên) hiện gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ sản phẩm chậm. |
Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng trầm lắng, thị trường vật liệu xây dựng cung vượt cầu, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Thế Tùng, đại diện Nhà máy gạch Tân Long (TP. Thái Nguyên), cho biết: Mỗi năm, đơn vị sản xuất hơn 10 triệu viên gạch. Việc tiêu thụ khá tốt, số lượng hàng gối khoảng 1-1,5 vạn viên gạch và hầu như không bị tồn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8, việc tiêu thụ sản phẩm khá chậm, chỉ bằng khoảng 30% so với những năm trước nên số hàng tồn tăng gấp đôi.
Từ giữa tháng 9, một số nhà máy gạch trên địa bàn bị ngập nước do mưa lũ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên giá bán sản phẩm tăng lên, ở mức 1.100 đồng/viên (cao hơn khoảng 200 đồng/viên, so với cùng kỳ), nhưng nhìn chung, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.
Thái Nguyên là một trong những địa phương sản xuất xi măng lớn, với 5 nhà máy, có tổng công suất hơn 3,1 triệu tấn/năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều địa phương lân cận.
Từ đầu năm 2024 đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của một số nhà máy xi măng trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn nên, sản lượng giảm, chỉ đạt hơn 1,6 triệu tấn, một số nhà máy chỉ đạt từ 60-70% công suất.
Theo đại diện một nhà máy xi măng, năm 2024, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động xây dựng chưa sôi động, nhất là khi thời tiết mưa nhiều khiến các công trình đầu tư công cũng bị ảnh hưởng, nên mức độ tiều thụ sản phẩm xi măng cũng thấp hơn so với những năm trước.
Để khắc phục khó khăn, các nhà máy xi măng phải nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp theo từng tháng, giảm tình trạng sản phẩm tồn kho. Trong Quý IV năm 2024, thời tiết thuận lợi hơn nên có thể hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, nhu cầu xi măng trưởng.
Ngoài sản xuất gạch, xi măng, hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng cũng ảm đạm, giá trị sản xuất của ngành này giảm mạnh, với mức hơn 10%.
Đại diện Mỏ cát An Phú (TP. Phổ Yên) chia sẻ: Đơn vị hiện chỉ có sản phẩm là cát tự nhiên (cát hút từ sông), với giá bán 450 nghìn đồng/m2, tăng khoảng 5% so với năm 2023, nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng (giá nhân công, giá nhiên liệu ở mức cao), nếu không tăng giá sản phẩm thì khai thác bị lỗ. Mức tiêu thụ cát xây dựng từ đầu năm đến nay thấp, đạt khoảng 60-70% cùng kỳ những năm trước. Nếu như tiêu thụ thuận lợi như mọi năm, lượng hàng gối chỉ khoảng 2-3 nghìn mét khối, nhưng hiện tại Mỏ vẫn còn tồn khoảng 7-8 nghìn mét khối cát nên hoạt động khai thác cũng cầm chừng, đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng năm 2024, các ngành sản xuất vật liệu xây dựng giảm cả về sản lượng và giá trị sản xuất so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản chưa hồi phục và thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong những tháng cuối năm, thời tiết thuận lợi, nhu cầu xây dựng công trình dân dụng của người dân tăng cao hơn và các dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành. Vì vậy, nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng sẽ tăng, nhưng chưa thể phục hồi so với những năm trước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin