Đối thoại với doanh nghiệp xây dựng: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

11:50, 10/08/2022

Nhiều khó khăn phải đối mặt trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay đã được các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đưa ra tại buổi đối thoại do Sở Xây dựng tổ chức ngày 9-8. Thực tế này cần sự quan tâm, vào cuộc tháo gỡ của các cấp, ngành chức năng.

Gần 60 người đại diện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã tham gia buổi đối thoại. Hiệp hội DN tỉnh tham gia với tư cách phối hợp tổ chức. Cùng dự còn có các hiệp hội, hội DN tỉnh, hội DN các địa phương.

Trước đó, với vai trò cầu nối, Hiệp hội DN tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các DN gửi đến. Và tại buổi đối thoại này, nhiều DN cũng đã bổ sung, làm rõ thêm các vướng mắc gặp phải trong quá trình hoạt động. Có nhiều nhóm vấn đề được các DN quan tâm, đề cập, trong đó nổi lên là những bất cập trong việc xác định đơn giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vấn đề đất san lấp.

Theo nhiều DN, việc điều chỉnh đơn giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thời gian qua chưa sát với diễn biến giá thị trường. Ông Nguyễn Trường Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Hà Trung, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên và đại diện một số DN phản ánh: Có những nguyên, vật liệu mặc dù đã tăng giá nhiều tháng, những mức tính hiện vẫn giữ nguyên từ nhiều năm nay. Đơn cử như cát, đá, cấp phối đá dăm, thiết bị điện, đường ống cấp thoát nước… theo thông báo giá liên sở Tài Chính - Xây dựng từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022 không thay đổi, trong khi giá theo thị trường từ đầu năm 2022 đến nay tăng từ 20-50%, thậm chí có loại còn cao hơn.

Việc tăng giá đột biến hàng loạt vật liệu xây dựng, cùng với đó là giá nhiên liệu (xăng, dầu) tăng cao kỷ lục, khiến nhiều nhà thầu phải dừng thi công hoặc chọn giải pháp thi công cầm chừng. Các DN mong muốn cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giá cho các dự án, công trình thi công xây dựng năm 2022, theo kịp biến động giá của thị trường.

Đối với đất san lấp. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng mỏ và trữ lượng đất được cấp phép khai thác còn ít, dẫn đến nguồn cung cho các dự án khó khăn, hoặc nếu mua được thì cũng khó có hóa đơn thanh toán.

Mặt khác, vị trí các mỏ được cấp lại không phân bổ đều, khiến chi phí vận chuyển đến nhiều công trình rất cao nếu dự án không nằm gần mỏ. Trong khi đó, tỉnh đang thực hiện theo một mức giá chung tính đến trung tâm huyện…

Vì thế, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng Thái Nguyên (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) và nhiều DN kiến nghị: Sở Xây dựng sớm tham mưu với tỉnh cấp thêm trữ lượng khai thác cho các đơn vị được cấp mỏ để cung cấp cho các nhà thầu thực hiện dự án. Nếu không thì cho phép các nhà thầu mua đất ở tỉnh ngoài hoặc được chuyển sang vật liệu san lấp khác.

Đại diện Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi pháo phát biểu tại buổi đối thoại.

Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị với Sở Xây dựng các nội dung liên quan đến việc thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định và trọn gói chịu tác động của việc biến động giá, hoặc do chậm được bàn giao mặt bằng; đơn giá nhân công xây dựng hiện quá thấp so với thực tế; thủ tục vận chuyển khối lượng đất san lấp dư thừa ra khỏi phạm vi dự án để lấy mặt bằng thi công các hạng mục của gói thầu phức tạp, kéo dài…

Tiếp thu toàn bộ ý kiến của DN, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng đã làm rõ từng vấn đề. Liên quan đến đơn giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước không phù hợp so với thực tế, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Việc thực hiện thông báo giá liên sở Xây dựng - Tài chính hàng tháng là xuất phát từ khâu đăng ký giá, kê khai giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cấp huyện, tổng hợp về Sở Tài chính để công bố giá gốc vật liệu xây dựng. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng phối hợp tính toán thêm các chi phí vận chuyển để công bố giá liên sở hàng tháng. Sở Xây dựng tiếp thu nội dung này và sẽ phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu bổ sung kịp thời.

Về vấn đề đất và giá đất san lấp, Sở Xây dựng đã chủ động chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành thực tế, đề xuất bổ sung 26 điểm mỏ đất san lấp để đưa vào phương án quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Quy hoạch tỉnh. Các điểm mỏ này được phân bổ đều trên địa bàn các huyện, thành phố có nhu cầu lớn về đất san lấp.

Đối với giá đất san lấp, hiện nay giá đất thông báo tại trung tâm các huyện đang tạm tính để làm cơ sở cho việc xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Quá trình phê duyệt giá gói thầu thì chủ đầu tư phải xem xét cập nhật giá gói thầu để đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường theo quy định…

Một số vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bị kéo dài hay điều chỉnh hợp đồng thì thẩm quyền thỏa thuận, điều chỉnh phụ thuộc vào chủ đầu tư và nhà thầu.

Về việc tính giá nhân công hiện không còn phù hợp so với thực tế, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định, điều tra, khảo sát và công bố để đảm bảo phù hợp với thị trường trong thời gian tới...

Tất cả kiến nghị, vấn đề DN đưa ra, Sở Xây dựng sẽ trả lời bằng công văn trong thời hạn 7 ngày theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Có thể thấy, nhiều bất cập, khó khăn mà các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã và đang gặp phải thời gian qua, cần sự quan tâm giải quyết kịp thời của UBND tỉnh và các sở, ngành. Do đó, việc tổ chức đối thoại của các sở, ngành, địa phương với DN là rất cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng cường vai trò của chính quyền trong hỗ trợ, đồng hành với DN, doanh nhân; đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách trên thực tế…