Xây dựng thương hiệu gạo Nhật J02 trên đất ATK

07:28, 10/08/2022

Giống lúa J02 được triển khai gieo cấy trên địa bàn huyện Định Hóa từ năm 2014. Sau 8 năm bén rễ trên đất ATK, sản phẩm gạo J02 dần được người tiêu dùng đón nhận và ưa chuộng, ngày càng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Từ kết quả đó, huyện Định Hóa đang bắt tay vào xây dựng vùng nông sản thương hiệu gạo J02.

J02 là giống lúa thuần chất lượng cao của Nhật Bản, được Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào cơ cấu giống lúa quốc gia từ năm 2014. Cũng từ vụ xuân năm 2014, huyện Định Hóa triển khai mô hình cánh đồng một giống lúa J02, quy mô 2ha tại xã Bình Thành.

Theo đánh giá của người dân, J02 là giống lúa có khả năng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, chịu rét, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Bên cạnh đó, giá gạo J02 cao hơn từ 1-3 nghìn đồng/kg so với các loại gạo phổ biến trên thị trường. Ngoài nhu cầu sử dụng trong gia đình, gạo J02 được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vào vụ thu hoạch, các thương lái đến thu mua tận nơi, nên hầu như bà con không cần lo đầu ra cho sản phẩm.

Từ mô hình khảo nghiệm cho năng suất lên đến trên 60 tạ/ha, tăng trên 3tạ/ha so với các giống lúa đại trà tại địa phương, cộng với chất lượng gạo ngon, dẻo và được thị trường ưa chuộng, huyện Định Hóa đã xây dựng phương án nhân rộng mô hình. Thời gian sau đó, diện tích lúa J02 lần lượt được mở rộng tại các xã Bảo Cường, Định Biên, Tân Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng…

Bên cạnh đó, Định Hóa cũng xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ giá giống để tạo vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa. Từ năm 2018, người dân được hỗ trợ giá giống lúa J02 với mức 30 nghìn đồng/sào. Đến nay, toàn huyện Định Hóa có trên 400ha lúa J02 (chiếm khoảng 10% diện tích lúa gieo cấy mỗi vụ), với tổng sản lượng đạt trên 2.500 tấn.

Thực tế cho thấy, giống lúa J02 ngày càng khẳng định được hiệu quả và được nhiều nông dân Định Hóa đưa vào gieo cấy thay thế các giống lúa địa phương năng suất kém. Tuy nhiên, dù có thị trường tiềm năng nhưng việc xây dựng thương hiệu gạo J02 Định Hóa vẫn đang ở những bước "chập chững" ban đầu, chưa tạo được thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo chị  Lê Thị Vân, thành viên Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng: HTX là đơn vị đầu tiên của huyện được hỗ trợ thiết kế logo, nhãn mác và bao bì sản phẩm gạo J02. Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 15-20 tấn gạo J02. Tuy nhiên, gạo J02 bán ra thị trường chủ yếu vẫn là thu mua lại từ các hộ dân. Diện tích trồng lúa J02 của HTX không đáng kể nên chưa đủ để cung cấp ra thị trường. Hiện nay, HTX đang đề nghị với ngành chức năng của huyện xây dựng vùng trồng lúa J02 theo quy trình VietGAP để hướng tới sản phẩm đạt OCOP. Trong đó, HTX sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc kiểm soát chất lượng, thu mua, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gạo của bà con.

Còn tại Tân Dương, một trong những xã có diện tích lúa J02 lớn nhất huyện Định Hóa với trên 30ha, hơn 100 hộ trồng, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chia sẻ: Vừa qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con xóm Tân Tiến 2 về việc thành lập tổ hợp tác, xây dựng vùng sản xuất gạo J02 VietGAP. Tuy nhiên, chặng đường để tiến tới sản phẩm VietGAP và OCOP còn rất xa, chúng tôi mong muốn được các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích để bà con hưởng ứng, tham gia…

Ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Với diện tích lúa J02 ngày một tăng, thị trường ngày càng lớn thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo J02 hết sức cần thiết đối với địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực phối hợp với các xã khảo sát những nơi có tiềm năng xây dựng cánh đồng một giống lúa J02 - điều kiện để xây dựng vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh với sản phẩm gạo J02.

Tuy nhiên, khi xây dựng thương hiệu, rất cần nhà nông thay đổi tư duy sản xuất, trong đó có việc hợp tác chặt chẽ trong quy trình tổ chức sản xuất và tạo được những vùng hàng hóa tập trung, bảo đảm đồng bộ về chất lượng, sản lượng và các tiêu chuẩn thương phẩm của hàng hóa.