Tỷ trọng chăn nuôi hiện chiếm 44,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Phú Lương (tăng 4,48% so với năm 2019). Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của lĩnh vực này, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Anh Hoàng Anh Tuấn, ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt (Phú Lương), sử dụng thóc, ngô, chuối làm thức ăn chăn nuôi; giã tỏi, gừng và lá cây rừng để phòng và trị một số bệnh cho đàn gà. |
Phú Lương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Hiện, tổng đàn trâu, bò của huyện là 6.081 con; đàn lợn là 50.104 con; đàn gia cầm trên 1,7 triệu con. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, với diện tích lớn như: Yên Ninh 120ha; Phủ Lý 60ha; Hợp Thành 70ha… Đây là tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi, đồng thời góp phần giúp các cơ sở chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh chú trọng quy hoạch, khoảng 5 năm trở lại đây, chăn nuôi an toàn sinh học đã trở thành xu hướng, được cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương khuyến khích người dân thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Phú Lương, cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện vệ sinh chuồng trại, đảm bảo không phát sinh dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với một số cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các cơ sở, trang trại, hộ dân quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…
Gia đình anh Hoàng Anh Tuấn, ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt, là một trong những hộ đi đầu trong nuôi gà theo hướng này. Anh Tuấn cho hay: Tôi sử dụng thóc, ngô, chuối làm thức ăn chăn nuôi; giã tỏi, gừng và lá cây rừng để phòng, trị một số bệnh cho đàn gà. Nhờ đó, tôi giảm được khoảng 30% chi phí thức ăn so với chăn bằng cám; đàn gà có sức đề kháng tốt, phát triển khỏe mạnh; thịt gà thơm, ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Trung bình một con gà từ khi nuôi đến lúc xuất chuồng (7 tháng) đạt trọng lượng khoảng 2,3kg, giá bán trung bình từ 80-90 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm. - anh Hoàng Anh Tuấn
Anh Trần Văn Hai, ở tổ dân phố Làng Hin, thị trấn Giang Tiên, sử dụng đệm lót sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng chăn nuôi nhằm hạn chế thấp ô nhiễm môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra. |
Ở một số trang trại, cơ sở chăn nuôi khác, người dân còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng con giống chất lượng vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Anh Trần Văn Hai, ở tổ dân phố Làng Hin, thị trấn Giang Tiên, cho hay: Từ năm 2019 đến nay, tôi nuôi các loại gà như lai hồ, lai chọi và gà mía, quy mô 18,5 nghìn con/lứa. Để chăn nuôi phát triển ổn định, bên cạnh vệ sinh chuồng chăn nuôi sạch sẽ, sử dụng đệm lót sinh học, tôi đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống tự động cho toàn bộ diện tích hơn 2.000m2 trang trại. Ngoài ra, tôi còn sử dụng bột trà xanh, trộn vào thức ăn cho gà ăn. Nhờ đó, lượng thuốc kháng sinh giảm đáng kể, đàn gà có sức đề kháng tốt.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2024, trên địa bàn huyện Phú Lương có 150 trang trại (tăng 63 trại so với năm 2020); đàn gia, súc gia cầm tăng 617.600 con so với năm 2020; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 16.600 tấn (tăng 6,4 tấn so với năm 2020); chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh có 223 cơ sở (chiếm tỷ lệ 65% so với tổng đàn); 20 trang trại lợn, gà được cấp giấy chứng nhận VietGAP… |
Mặc dù đã đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng đến nay, chăn nuôi theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện Phú Lương còn hạn chế (chỉ có 1 chuỗi). Phần lớn trang trại chưa có hạ tầng xử lý chất thải đồng bộ nên còn tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, sử dụng công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin