Phát triển chăn nuôi bền vững: Đâu là giải pháp?, Kỳ 2 - Mắc đâu, gỡ đó

Nhóm P.V Kinh tế 18:57, 31/05/2023

Phải khẳng định rằng, những khó khăn, thách thức đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện tại không phải chỉ riêng của tỉnh Thái Nguyên mà là tình hình chung của cả nước. Nhưng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng định hướng phát triển chăn nuôi đã đề ra, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tất yếu phải thay đổi để thích ứng, phát triển mạnh và bền vững hơn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành (Phú Lương) chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành (Phú Lương) chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học

Để ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đã quan tâm quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và trang trại quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho hay: Định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là xác định vùng chăn nuôi tập trung, trang trại theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của các huyện, thành phố; thực hiện nghiêm quy định về vùng không được phép chăn nuôi; dịch chuyển cơ sở chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, xa các vùng quy hoạch sản xuất chè tập trung có thương hiệu của tỉnh... Đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi ở các địa phương có quỹ đất rộng nhằm đảm bảo mật độ theo quy định, như: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình…

Đơn cử như tại huyện Đại Từ, theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện có 57 điểm chăn nuôi tập trung, với hơn 520ha tại 28/29 xã, thị trấn. Trong đó, một số địa phương có điều kiện thuận lợi về đất, phù hợp với việc chăn nuôi tập trung quy mô lớn được quy hoạch diện tích lớn, như: Thị trấn Quân Chu 52ha; Tiên Hội 54ha; La Bằng 50ha… 

Mỗi địa phương có thể được quy hoạch nhiều điểm chăn nuôi tập trung khác nhau. Các điểm được quy hoạch đều đáp ứng tiêu chuẩn là xa khu dân cư, thuận lợi về giao thông.

Đến thời điểm này, vùng chăn nuôi tập trung tại xóm Khe Cua 2, thị trấn Quân Chu, đã có 2 tổ chức, cá nhân đầu tư trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hơn 1.000 con lợn.

Còn tại huyện Định Hóa, địa phương cũng đang tích cực thu hút đầu tư vào 2 khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại xã Phú Tiến (150ha) và xã Bình Thành (250ha)…

Ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Hiện nay, 13 xã trên địa bàn huyện đều đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, với quy mô bình quân từ 10-20ha/địa phương. Việc quy hoạch, hình thành vùng chăn nuôi tập trung là tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi, đồng thời góp phần giúp các cơ sở chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn.

Một trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Đồng Hỷ được xây dựng xa khu dân cư.
Một trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Đồng Hỷ được xây dựng xa khu dân cư.

Xu hướng chăn nuôi tất yếu

Những năm gần đây, chăn nuôi an toàn sinh học đã trở thành xu hướng, được cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như cơ quan chuyên môn khuyến khích, được người dân hưởng ứng bởi tính bền vững, hiệu quả, an toàn.

Được cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, từ 3 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành (Phú Lương), đã thực hiện nuôi gà theo hướng hữu cơ.

Bà Thúy chia sẻ: Chúng tôi sử dụng men vi sinh; sâu canxi kết hợp thóc, ngô, chuối… làm thức ăn chăn nuôi. Tôi lên rừng hái các loại lá cây như vả, chè khổng lồ, hoàn ngọc… để phòng và trị một số bệnh cho gà. Trong khi các hộ khác gặp khó khi chăn nuôi bằng cám công nghiệp thì gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều, bởi nuôi gà theo hướng này không những giảm được chi phí thức ăn (giảm khoảng 70% so với chăn bằng cám) mà đàn gà có sức đề kháng tốt, phát triển khỏe mạnh; thịt gà thơm, ngon, được người tiêu dùng tin tưởng. Trung bình một con gà từ khi nuôi đến khi xuất chuồng (7 tháng) đạt trọng lượng từ 2-2,7kg, giá bán luôn cao hơn hẳn các trại gà khác trong vùng, đạt từ 110-130 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh: Thay vì tự mình sản xuất, tự mình xoay sở, các hộ chăn nuôi cần liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến quy mô lớn. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sẽ mở ra cơ hội cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị chăn nuôi.
Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh: Thay vì tự mình sản xuất, tự mình xoay sở, các hộ chăn nuôi cần liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến quy mô lớn. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sẽ mở ra cơ hội cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị chăn nuôi.

Ở một số cơ sở chăn nuôi khác, người dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống ngoại, năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó năng suất, chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ đàn lợn ngoại của toàn tỉnh đạt 75% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 65% trở lên; đàn gà lông màu đạt 85% tổng đàn.

Thực tế cho thấy, những cơ sở chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật vững vàng, có sự liên kết luôn “sống khỏe” và ít gặp rủi ro hơn hẳn chăn nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), thông tin: Với 2.000m2 chuồng trại, tôi đang liên kết với Công ty TNHH Hồng Hà (Hà Nam), nuôi 18.000 con gà/lứa. Trong quá trình nuôi, Công ty thường xuyên cử cán bộ thú y kiểm tra, hướng dẫn tôi cách cho gà ăn, tiêm phòng vắc - xin và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng nuôi theo đúng quy trình. Do được hỗ trợ về kỹ thuật nên đàn gà của tôi phát triển khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh. Gà đến tuổi xuất chuồng, Công ty bao tiêu toàn bộ nên tôi không phải lo đầu ra hay giá cả thị trường…

Xây dựng thương hiệu vững chắc

Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án, thời gian qua các huyện, thành trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu, lan tỏa các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

Đơn cử như tại huyện Phú Lương, từ năm 2018 đến nay, địa phương đã dành 2,2 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong chăn nuôi, hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò BBB, hỗ trợ phát triển trang trại, hợp tác xã chăn nuôi…

Huyện Đại Từ cũng hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các trang trại, kinh phí cấp chứng nhận VietGAP, đệm lót sinh học… cho các hộ chăn nuôi.

Tại Võ Nhai, từ năm 2021, huyện đã triển khai Dự án xây dựng các mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hướng hữu cơ an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư trên 980 triệu đồng… Tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật, 70% chi phí giống, thức ăn…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh định hướng giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường và kế hoạch sử dụng đất ở mỗi địa phương; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, theo chuỗi giá trị.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh định hướng giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường và kế hoạch sử dụng đất ở mỗi địa phương; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, theo chuỗi giá trị.

Việc xây dựng và triển khai các dự án phát triển sản phẩm chăn nuôi của huyện Phú Bình như: Dự án phát triển gà đồi Phú Bình; Dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… cũng bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực khi thương hiệu gà đồi ngày càng được nhiều người biết đến, đàn vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, giữ vững vị trí địa phương có tổng đàn vật nuôi đứng đầu tỉnh (gần 4,7 triệu con).

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã bố trí gần 9 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ chăn nuôi và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Chúng tôi thường xuyên phối hợp tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi theo quy trình; hướng dẫn bà con cách khử trùng tiêu độc chuồng trại và thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh...

Ở một số địa phương, các hộ chăn nuôi đã có sự liên kết thành tổ hợp tác, HTX chuyên chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm từ chăn nuôi, như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Vượng (Định Hóa), HTX Xanh (TP. Sông Công), HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến (Phú Bình)… với nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo Đề án phát triển nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, số trang trại chăn nuôi lợn và gà tăng bình quân 5%/năm. Đến năm 2025, sản lượng thịt (lợn và gà) hơi thuộc các trang trại chiếm từ 40-45% tổng sản lượng; đến năm 2030 chiếm từ 50-55% tổng sản lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều dư địa phát triển và cần thêm “bệ đỡ” để tăng trưởng bền vững hơn. Trước mắt, với tình trạng giá thức ăn công nghiệp “neo cao”, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên để giảm chi phí sản xuất. Ưu tiên số một là chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, người chăn nuôi cần chú trọng liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hình thành các sản phẩm chế biến sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm… Có như vậy, ngành chăn nuôi mới có thể bứt phá, phát triển tương xứng với tiềm năng.