Đánh giá mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Thanh Phong 13:05, 31/05/2023

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên vừa phối hợp với UBND xã Đồng Liên và các doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống triển khai đánh giá mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ xuân năm 2023 trên địa bàn xã (ảnh).

 

Mô hình được triển khai từ tháng 1/2023 trên diện tích 6ha, gieo trồng thử nghiệm các giống lúa lai MHC2, WN305 (của Công ty Mahyco) và các giống lúa thuần gồm: N91 (của Công ty Mahyco), BG6 (Công ty CP Giống cây trồng Bắc Giang); HD11, HD12 (Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội). Giống lúa đối chứng là KD18 và TH3-7.

Tất cả các giống lúa đều được gieo cấy, chăm sóc theo hướng hữu cơ (cấy hàng rộng hàng hẹp, cấy thưa mật độ 38-40 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm; lượng giống lúa thuần từ 1,8-2kg/sào, lúa lai từ 1-1,5kg/sào). Cùng với đó là áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp dịch hại trên cây lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc IPM; sử dụng các loại thuốc, chế phẩm sinh học, thảo mộc để trị sâu bệnh hại...

Sau một thời gian triển khai mô hình, đến nay, ngành chức năng và bà con nông dân địa phương đều đánh giá cao về sự phù hợp của các giống lúa khi sản xuất theo hướng hữu cơ. Xét về hiệu quả môi trường, khi áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ đã giảm được lượng phân bón hóa học và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Về hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại, mặc dù tỷ lệ sâu bệnh nhiễm cao hơn nhưng do cây lúa khỏe hơn nên vẫn cho tiềm năng năng suất tốt. Năng suất khô trung bình của các giống lúa trình diễn dự ước đạt 62,7-70,5 tạ/ha, cho thu lãi từ 1,7-1,8 triệu đồng/sào, trong đó cao nhất là các giống lúa WN305, MHC2, HD11, HD12. Các giống lúa trình diễn đều có hạt gạo trong, nấu cơm mềm, thơm nhẹ, vị đậm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Nông dân xã Đồng Liên mong muốn các đơn vị chức năng tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong những vụ tiếp theo.