Rộn ràng ngày mùa

Lương Hạnh 09:00, 30/05/2023

Những ngày này, ở nhiều địa phương trong tỉnh, bà con nông dân đang hối hả thu hoạch lúa xuân theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng”. Vụ xuân năm nay, mặc dù gặp nhiều bất lợi do tình hình thời tiết, sâu bệnh nhưng nhờ có sự chỉ đạo sản xuất đồng bộ của ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương cùng sự siêng năng, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con nên toàn tỉnh vẫn hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất đề ra.

Người dân xã Thượng Đình (Phú Bình) thu hoạch lúa xuân.

Thu hoạch lúa xuân vào đúng thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt nhưng nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn không muốn trì hoãn để kịp tiến độ mùa vụ. Bởi, nắng nóng là điều kiện để các trà lúa chín đều và cũng giúp bà con gặt lúa, phơi thóc được thuận lợi.

Đang đứng trên bờ đợi chiếc máy gặt đập liên hoàn “ngoạm” lúa, ông Dương Văn Quyền, ở tổ dân phố Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), chia sẻ: Mấy ngày hôm nay, lúa đã chín vàng óng, tôi luôn “canh” để đợi thuê máy gặt. Thời tiết mùa này mưa nắng thất thường nên chỉ khi nào hạt thóc về đến nhà chúng tôi mới yên tâm.

Vụ này, nhà ông Quyền cấy 7 sào giống lúa J02, thu hoạch được 2,5 tạ/sào, cao hơn vụ trước 0,2 tạ/sào. Đầu vụ, diện tích lúa của gia đình bị nhiễm một số loại sâu bệnh như vàng lá, sâu cuốn lá… Tuy nhiên, ông luôn bám sát đồng ruộng, tiến hành phun phòng, trừ kịp thời nên cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị ảnh hưởng về năng suất.

Tại cánh đồng xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), không khí thu hoạch ngày mùa cũng diễn ra tấp nập, tiếng máy gặt đập liên hoàn, máy phụt lúa nổ rền vang. Người chở thóc, gánh lúa nhộn nhịp trên các tuyến đường bê tông nội đồng.

Ông Trương Văn Tư, một hộ dân ở xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn, cho hay: Nhà tôi thuê máy gặt đập liên hoàn với giá 160 nghìn đồng/sào và chỉ việc đợi rồi chở thóc về phơi, tiết kiệm được thời gian, công sức lao động. Vụ xuân năm nay, trời ít mưa nên nhà tôi đã phải bơm nước 3 lần cho 8 sào ruộng của gia đình. Vất vả lắm! Bù lại là lúa chắc hạt, ít sâu bệnh hơn mọi năm.

Người dân xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn để giảm chi phí công lao động.
Người dân xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa xuân.

Còn trên cánh đồng xóm Cầu Gai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), gia đình chị Nguyễn Thị Thúy chọn gặt tay, sau đó thuê máy phụt để lấy rơm về dự trữ làm thức ăn cho bò. Bỏ chiếc nón lá, để lộ ra khuôn mặt đẫm mồ hôi, chị Thúy bảo: Nắng nóng nên chúng tôi dậy sớm, ra đồng từ 5 giờ sáng để gặt lúa và không quên mang theo xô nước đá để giải nhiệt. Mùa này, thóc phơi nhanh khô và được nắng nên hạt gạo to tròn, không bị nát khi xay xát. Với 4 sào ruộng, vụ này nhà tôi thu về 8 tạ thóc, cũng gọi là không phụ công nhiều ngày vất vả chăm sóc.

Thu hoạch lúa xuân vào đúng thời điểm nắng nóng nên người nông dân đã tranh thủ ra đồng vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, thậm chí gặt lúa vào ban đêm để bớt vất vả. Nhờ áp dụng cơ giới hóa, mỗi sào lúa gặt và tuốt mất khoảng 10 phút nên công việc của người dân đã bớt vất vả hơn, tiết kiệm thời gian và sức khỏe.

Anh Hà Văn Chung, chủ máy gặt ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai), cho biết: Đáp ứng nhu cầu của bà con, máy gặt đập liên hoàn được chúng tôi cho hoạt động cuốn chiếu theo từng cánh đồng, từng khu vực nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Những ngày này, chúng tôi bổ sung thêm 2 người để đổi ca lái máy và bốc lúa xuống cho bà con. Có hôm, bà con cầm sẵn bao tải đợi ở đầu bờ nên chúng tôi gặt đến 1-2 giờ sáng mới nghỉ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, so với mọi năm, vụ lúa xuân năm nay có nhiều diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết ít mưa khiến một số cánh đồng bị thiếu nước tưới dưỡng. Ngoài ra, trên cây lúa cũng xuất hiện một số loại sâu bệnh phát sinh, gây hại như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng…

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, ngành Nông nghiệp đã thường xuyên theo dõi, dự báo và thông báo các giai đoạn phát triển của sâu bệnh; đồng thời, hướng dẫn bà con cách phòng, trừ kịp thời. Do vậy, diện tích lúa xuân nhìn chung đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với đó, bà con nông dân cũng chủ động đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, như: SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1, Syn9, J02, TBR225, DQ11, ADI28, HD11… Bà con cũng ủ phân chuồng, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh bón cho lúa, nhằm giảm chi phí canh tác trong điều kiện giá phân bón vô cơ tăng cao.

Qua đánh giá sơ bộ, vụ xuân năm nay cơ bản được mùa. Dự ước năng suất lúa xuân toàn tỉnh đạt 56,68 tạ/ha (tương đương cùng kỳ năm ngoái), sản lượng đạt 164.440 tấn. Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 20.000ha, đạt gần 69% diện tích. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo người dân ra đồng thu hoạch những trà lúa đã chín để tránh ảnh hưởng của mưa bão cuối vụ. Thu hoạch đến đâu, bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng đến đó để kịp thời sản xuất vụ mùa.

Ngành chức năng khuyến cáo, bà con nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để chủ động thu hoạch lúa xuân và tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Cùng với đó, người dân cần chuẩn bị máy móc, các loại vật tư nông nghiệp để triển khai sản xuất vụ mùa đúng lịch thời vụ.


Từ khóa:

Vụ xuân

sản xuất

lúa