Phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng vụ xuân

Lương Hạnh 10:35, 22/05/2023

Hiện nay, 28.080ha lúa xuân trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn trỗ bông - chắc xanh - chín; diện tích chè đang vào giai đoạn phát triển, thu hái búp. Dự báo thời gian tới tiếp tục xuất hiện nắng nóng và mưa xen kẽ, là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại cây trồng.

Đối với bọ cánh tơ và rầy xanh hại chè, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật “hái chạy” nếu đến lứa.
Đối với bọ cánh tơ và rầy xanh hại chè vụ xuân, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật “hái chạy” nếu đến lứa (ảnh minh họa).

Cụ thể, rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện trên cây lúa với mật độ trung bình từ 150-300 con/m2, cá biệt có nơi 6.000 con/m2 (Đồng Hỷ). Những ngày tới, rầy non tiếp tục nở, mật độ rầy sẽ tăng nhanh, có thể gây cháy trên lúa xuân nếu không được phòng, trừ kịp thời.

Ngoài ra, rầy xanh và bọ cánh tơ gây hại trên cây chè với tỷ lệ trung bình 2-5%, nơi cao 10-15% búp bị hại; trên cây na xuất hiện bọ phấn, bọ trĩ, nhện gây hại với trung bình từ 2-3% lá bị hại.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con tăng cường kiểm tra đồng ruộng; phun thuốc trừ rầy với những ruộng lúa có mật độ từ 2.000-2.500 con/m2 bằng một trong các loại thuốc như: Bassa 50EC, Butyl 10WP, 40WG; Actara 25WG, Chess 50WG… Bà con nên rẽ lúa thành luống và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại.

Đối với bọ cánh tơ và rầy xanh hại chè, bà con áp dụng kỹ thuật “hái chạy” nếu đến lứa; thực hiện dọn dẹp cỏ dại, bón phân hợp lý và sử dụng một số loại thuốc sau để phun: Vineem 1500EC, Butyl 10WP, Kuraba 3.6EC, Tridan 21.8WP… Còn đối với bọ phấn, bọ trĩ, nhện hại na, các loại thuốc được ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con phun phòng trừ gồm: Newfatoc 75WWP, Acplant 1.9EC, Actimax 50WG…