Bền bỉ với cây chè trung du

Vũ Công 16:30, 13/05/2023

Mặc dù ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi từ cây chè trung du (trồng bằng hạt) sang trồng các loại chè cành giống mới, nhưng nhiều nông dân ở xã Tức Tranh (Phú Lương) vẫn gắn bó với cây chè trung du. Bởi lẽ cây chè trung du phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, đồng thời đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con.

Để tiết kiệm chi phí đầu tư bà La Thị Nhận và một số hộ dân khác thường hái chè đổi công cho nhau.
Để tiết kiệm chi phí đầu tư, gia đình bà La Thị Nhận và một số hộ dân khác thường hái chè đổi công cho nhau.

Chúng tôi có mặt tại đồi chè của gia đình bà La Thị Nhận, ở xóm Khe Cốc, trong lúc bà con đang tất bật hái chè. Qua câu chuyện với bà Nhận, chúng được biết, đồi chè nhà bà được trồng từ năm 1986 bằng giống chè hạt. Lúc đầu, bà Nhận chỉ trồng khoảng 0,5 sào để phục vụ nhu cầu của gia đình, sau đó bà tự ươm giống và mở rộng diện tích. Đến nay, bà Nhận đang có 5 sào chè trung du.

Cây chè không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình bà Nhận. Hiện nay, mỗi lứa bà Nhận thu được khoảng 5 tạ chè búp tươi. Với giá bán trung bình 26.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí, bà thu về 10 triệu đồng. Cũng bởi nguồn thu nhập ổn định này mà khi trào lưu đưa cây chè giống mới vào sản xuất, bà Nhận rất băn khoăn.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nhận nói: Qua tìm hiểu tôi được biết, các loại chè giống mới thường được trồng ở nơi có độ dốc thấp, cần tưới nước thường xuyên, sau mỗi lứa thu hái đều phải bón phân. Trong khi đó đất trồng chè của gia đình lại là đồi cao, cách xa nguồn nước tưới, số lao động lại hạn chế... nên tôi giữ nguyên cây chè trung du.

Ngay gần khu vực trồng chè của nhà bà Nhận là đồi chè trung du có diện tích hơn 5 sào của gia đình ông Trần Văn Quý, cùng ở xóm Khe Cốc. Ngoài diện tích chè trung du, cách đây 5 năm, ông Quý còn chuyển đổi 3 sào cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè giống mới TRI777. 

Ông Quý cho hay: Sau một thời gian trồng cả 2 loại chè, tôi nhận thấy cây chè giống mới cho năng suất, giá bán cao hơn so với chè trung du. Nhưng ngược lại cũng đòi hỏi chi phí đầu tư và công chăm sóc nhiều hơn. Còn cây chè trung du tốn ít công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần bón phân 2-3 lần. Nếu trừ tất cả các chi phí, một sào chè trung du cũng cho thu nhập tương đương với một sào chè cành giống mới.

Hiện nay, người dân xã Tức Tranh vẫn duy trì sản xuất trên 278ha chè trung du, chiếm 24,34% tổng diện tích chè trên địa bàn, tập trung nhiều ở các xóm: Khe Cốc, Minh Hợp, Đập Tràn và Bãi Bằng.

Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Khe Cốc, xóm Tân Thái, cho biết: Hợp tác xã hiện có 15 thành viên, với tổng diện tích chè vào khoảng 280ha, trong đó có gần 240ha là chè trung du, còn lại chè giống mới. Chúng tôi vẫn duy trì diện tích chè trung du bởi cây chè phù hợp với đa phần diện tích đất đồi cao của các hộ thành viên, phần khác là do khách hàng đã quen với hương vị của loại chè này. Bên cạnh đó, để làm ra các sản phẩm của Hợp tác xã như: Bột trà matcha, kẹo trà xanh, túi khử mùi, túi nước tắm, túi ngâm chân... thì chè trung du là thích hợp hơn cả.

Xã Tức Tranh hiện có 1.101ha chè kinh doanh. Năng suất chè búp tươi của xã đạt 120 tạ/ha/năm đối với chè trung du và 128 tạ/ha/năm đối với các loại chè giống mới. Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các loại chè nói chung và chè trung du nói riêng, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, chế biến chè; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè an toàn; khuyến khích các hợp tác xã trong và ngoài xã liên kết với người trồng chè nhằm hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ...