Võ Nhai: Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp

Hoàng Hưng 14:18, 31/05/2023

Ngày 31/5, Đoàn công tác của UBND tỉnh tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 10) và các chương trình, đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Võ Nhai.

Người dân xóm Chiến Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai) thực hiện mô hình trồng chè hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xóm Chiến Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai) thực hiện mô hình trồng chè hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo báo cáo của UBND huyện Võ Nhai, thực hiện Nghị quyết 10, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong huyện luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết, như: Tổng diện tích trồng lúa đạt trên 4,8 nghìn ha, trong đó diện tích lúa tập trung, chất lượng cao là trên 2,5 nghìn ha (tăng hơn 600ha so với năm 2019); tổng diện tích chè đạt trên 1,3 nghìn ha (tăng 40ha); tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 1,6 nghìn ha (tăng hơn 300ha). 

Về diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện nay đạt 240ha, trong đó có 95ha chăn nuôi thâm canh, sản lượng đạt trên 350 tấn. Số sản phẩm đạt chuẩn OCOP đến hết năm 2022 là 12 sản phẩm. Diện tích trồng cây dược liệu các loại đạt trên 550ha (tăng 300ha so với năm 2019); diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt trên 725 ha...

Đến nay, trên địa bàn huyện có 97 HTX, trong đó 58 HTX có nội dung đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (tăng 43 HTX so với năm 2019); có 47 trang trại chăn nuôi tập trung đang hoạt động, chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt…

Huyện Võ Nhai cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc thực hiện: Đề án xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, hiện còn một số chỉ tiêu theo Nghị quyết 10 trên địa bàn huyện chưa thực hiện được hoặc đạt kết quả thấp hơn chỉ tiêu, như: Diện tích trồng rừng gỗ lớn; công tác dồn điền đổi thửa; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác đề nghị huyện tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại, hoàn thành các chỉ tiêu hiện chưa đạt theo Nghị quyết 10. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn và thu nhập, đời sống của bà con nông dân.