Năm 2023, các doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên “thấm mệt” vì đơn hàng bị sụt giảm mạnh. Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế trong nước và thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, khiến các DN trong lĩnh vực này thận trọng khi đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1. |
Các DN sản xuất phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh cơ bản có chung nhận định năm nay thị trường tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều DN chỉ duy trì ổn định sản xuất. Đơn cử, Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (FUTU 1) ở phường Mỏ Chè, TP. Sông Công, chỉ đề ra mục tiêu doanh thu tăng 1% so với năm 2023. Ông Vũ Duy Hải, Phó Giám đốc FUTU 1, cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại nên các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của FUTU 1 chỉ bằng 92% kế hoạch đề ra.
Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân ở phường Cải Đan, TP. Sông Công (chuyên thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ cắt gọt và các dụng cụ cơ khí có độ chính xác cao như phụ tùng xe máy...) cũng đề ra mục tiêu doanh thu đạt khoảng 48 tỷ đồng (tương đương năm 2023).
Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty, cho biết: Thông thường thì ngay từ đầu năm, Công ty đã nhận được đơn hàng gia công cho các đối tác đến hết quý I, thậm chí quý II. Tuy nhiên năm nay thị trường khó khăn nên đơn hàng chỉ được xác lập theo từng tháng. Người lao động vì vậy cũng chỉ duy trì sản xuất bình thường, chưa tăng ca trở lại.
Theo đại diện các DN trên, số lượng đơn hàng ít là do suy thoái kinh tế khiến người dân thắt chặt việc chi tiêu. Ở một góc độ khác, thị trường tiêu thụ xe máy nhiều năm nay đang có dấu hiệu bão hòa do chịu cạnh tranh lớn từ xe máy điện.
Trước thực trạng này, các DN đề ra nhiều giải pháp nhằm duy trì nhịp tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động của đơn vị. Cụ thể là tập trung sản xuất theo các đơn hàng đã được ký kết, đồng thời tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để bù đắp tình trạng thiếu hụt các đơn hàng phụ tùng xe máy do thị trường đang bão hòa, nhiều đơn vị đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm phụ tùng mới. Đơn cử như FUTU 1, ngoài sản xuất các dòng sản phẩm thế mạnh là phụ tùng xe gắn máy cho các hãng Honda, Yamaha, Atsumitec, SUMUMOTO, VMEP, PIAGGIO.... đơn vị còn mở rộng sản xuất các sản phẩm phụ tùng cho xe ô tô, máy giặt, thiết bị nâng hạ.
Đến nay, FUTU 1 đã ký được các đơn hàng trong lĩnh vực mới. Dự kiến, doanh thu từ lĩnh vực sản xuất mới sẽ đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu năm 2024.
Cùng với sự nỗ lực nói trên, các DN trong lĩnh vực này cũng đề nghị cơ quan nhà nước tiếp tục có thêm nhiều cơ chế, chính sách đối với ngành cơ khí nói chung, phụ tùng vận tải nói riêng như: Hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc (hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này...).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin