Kỳ vọng ngành Thép phục hồi tăng trưởng

Nhị Hà 10:27, 22/01/2024

Ngành Thép nói chung đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn, khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm, giá bán thấp khiến nhiều doanh nghiệp không có lãi, thậm chí thua lỗ. Với tỉnh Thái Nguyên, sản lượng sắt thép các loại trong năm qua đạt 1,26 triệu tấn, giảm tới 13,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 77,8% kế hoạch. Tuy vậy, diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy những tín hiệu phục hồi và triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành Thép.

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm 2024.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm 2024.

Bước sang những ngày đầu của tháng 1-2024, thị trường thép xây dựng nội địa đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên khi các doanh nghiệp sản xuất đồng loạt tăng giá bán thép các loại, với mức tăng phổ biến khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Hiện nay, giá thép thanh vằn trong nước đang dao động quanh mức 14,2-14,85 triệu đồng/tấn, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 14,1-14,7 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa tính thuế VAT và đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng, vùng miền).

Khảo sát tại một số đại lý trên địa bàn TP. Thái Nguyên, cho thấy giá thép thanh vằn kích thước D6-D8 (đường kính 6-8mm) là 15.250-15.440 đồng/kg tùy thương hiệu; D10 giá 15.250-15.600 đồng/kg; D12 giá 15.150-15.500 đồng/kg; D14 đến D22 có giá 15.100-15.500 đồng/kg. Đối với thép cắt theo yêu cầu có giá chung khoảng 16.200 đồng/kg với tất cả kích thước. 

Đại diện Công ty TNHH Kim khí Tuấn Long (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên), cho biết: Từ khoảng tháng 11-2023 tới nay, giá sắt xây dựng đã có 4-5 lần điều chỉnh tăng. Nhu cầu xây dựng dân dụng và hoàn thiện các công trình dịp cuối năm tăng giúp việc tiêu thụ sắt, thép cũng thuận lợi hơn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tiếp tục đà tăng trưởng với mức tăng 12% (lên gần 13 triệu tấn). Ngoài ra, nguồn cung bất động sản trong nước từng bước hồi phục khi nút thắt áp lực tài chính được cởi bỏ, lãi suất giảm bớt và các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn; đầu tư công được đẩy mạnh (nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông) là động lực lớn giúp cải thiện nhu cầu thép.

Về sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024-2025 sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 21-22,5 triệu tấn. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận sau một thời gian dài chịu cảnh thua lỗ, tồn kho.

Nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện dịp giáp Tết Nguyên đán giúp nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng dân dụng có xu hướng tăng. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Kim khí Tuấn Long (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) vận chuyển thép xây dựng cho khách hàng.
Nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện dịp giáp Tết Nguyên đán giúp nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng dân dụng có xu hướng tăng. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Kim khí Tuấn Long (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) vận chuyển thép xây dựng cho khách hàng.

Với những tín hiệu khả quan về thị trường tiêu thụ và giá bán, các doanh nghiệp sắt thép trên địa bàn tỉnh đã chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên lỗ 179 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực đáng ghi nhận là hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đang có chiều hướng khởi sắc đi lên. Riêng trong quý IV/2023, Công ty đạt mức lãi sau thuế là trên 15,6 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, người lao động trong đơn vị.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên Nguyễn Minh Hạnh đã nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu đạt tổng doanh thu 12.744 tỷ đồng trong năm 2024, Công ty sẽ chủ động triển khai các giải pháp sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả ngay từ đầu năm. Trong đó, tập trung khai thác các nguồn phôi cung ứng, đảm bảo số lượng, tiến độ và chủng loại theo cơ cấu sản phẩm; tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, giá cả và điều kiện, năng lực thực tế của đơn vị; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thép dân dụng và phục vụ các dự án, thép hình, hàng xuất khẩu để hạn chế lượng hàng tồn kho...

Đối với Công ty CP Thương mại thép Việt Cường (phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên), đơn vị xác định tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm thế mạnh là: Gia công lắp, dựng kết cấu thép; các loại khung nhà thép tiền chế; xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp nhỏ và vừa… Các giải pháp tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành để tăng tính cạnh tranh, chủ động kết nối để có thêm nhiều đơn hàng.

Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại thép Việt Cường, cho biết: Công ty đã trụ vững qua giai đoạn khó khăn của ngành thép, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Mục tiêu trong thời gian tới của đơn vị là mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, duy trì tăng trưởng ổn định. Trước những diễn biến về giá, các đại lý kinh doanh sắt thép xây dựng trên địa bàn cũng có sự tính toán, cân đối phù hợp giữa cung và cầu, đảm bảo không để tình trạng tồn đọng và kinh doanh có lãi...