VN vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

07:44, 02/06/2008

Không giấu lo lắng về tình hình lạm phát và môi trường đầu tư trong thời điểm hiện tại, song các nhà tài trợ có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN 2008 sáng nay đều có chung nhận xét: VN vẫn là điểm đến hấp dẫn ít nhất là 5-10 năm nữa.

Tại diễn đàn các vấn đề nóng liên quan đến lạm phát, thị trường chứng khoán, bất động sản... được các chuyên gia kinh tế phân tích mổ xẻ.

Chủ tịch phòng thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) - Alain Cany cho rằng lạm phát ở VN đang tác động tiềm ẩn đến đầu tư và tốc độ tăng trưởng. Do vậy, VN cần phải thấy chính sách tiền tệ đang là nguyên nhân căn bản của lạm phát và tập trung vào đó để điều tiết các vấn đề vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần sử dụng linh hoạt để tránh gây rào cản thương mại tạo ra các biến dạng cho nền kinh tế.

Theo ông Alain Cany, việc kìm chế lạm phát bằng cách thắt chặt khoản vay tín dụng là cần thiết, song nếu làm không tốt và quá mạnh tay sẽ gây rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước - đối tượng chính chịu tác động của công cụ tiền tệ.

Theo kết quả điều tra của Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hầu hết các doanh nghiệp VN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thủ tục cho vay phức tạp, kèm theo lãi suất cao. VCCI cho hay 5 khó khăn mà các doanh nghiệp VN gặp phải hiện nay là vốn, thủ tục hành chính, đất đai mặt bằng, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Hơn 63% trong số 6.000 doanh nghiệp đang có khoản vay từ ngân hàng thương mại quốc doanh hoặc ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó trên 76% doanh nghiệp phải vay ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống.

Để được vay vốn, doanh nghiệp phải thế chấp tài sản. 78,11% doanh nghiệp theo điều tra của VCCI phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 26% doanh nghiệp có đất nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng. VCCI cho rằng đây là những con số đáng buồn nếu so với hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu cao của một số Tổng công ty và tập đoàn kinh tế...

Chủ tịch AmericaCham - Michael J.Pease lo ngại - lạm phát cộng với các vấn đề liên quan đến chính sách có thể làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại VN. Do vậy, VN cần có những hành động cấp bách đối với ngành tài chính, bởi sự yếu kém của một số định chế tài chính có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, VN cần duy trì sự cân đối giữa các liệu pháp kinh tế ngắn hạn và đảm bảo tăng trưởng dài hạn, tạo môi trường tích cực, hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

"Chúng tôi không đổ lỗi cho những nguyên nhân gây nên sự bất ổn của nền kinh tế song chúng tôi cho rằng tình hình tội tệ của VN hiện nay đi kèm với nạn đầu cơ "bóng bóng" bất động sản. Do vậy, VN cần phải áp dụng ngay các biện phát quyết liệt để tình trạng này không đe dọa đến ngành tài chính", ông Michael J. Pease nhấn mạnh.

Ngay sau Tết Âm lịch 2008, Chính phủ có chủ trương tập trung chống lạm phát, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Chủ tịch Hội bất động sản TP HCM - Lê Hoàng Châu nhìn nhận, các giải pháp của Chính phủ đã có tác dụng nhất định, thị trường nhà đất đang quay trở về giá trị thực của nó. Tuy nhiên, "liều thuốc cực mạnh" này lại khiến cho thị trường lâm vào tình cảnh "3 dở dang: đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang. 3 giảm: giá giảm, sức mua giảm, giao dịch giảm".

Để "cứu vãn" tình hình, ông Châu đề xuất Chính phủ cần có giải pháp như giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất từ 4% xuống 2%, giảm lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,5%, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn trung hạn và dài hạn với lãi suất hợp lý, đồng thời cho người thu nhập thấp được tiếp cận vốn ngân hàng với thời hạn 20-25 năm để mua nhà ở...

Các nhà tài trợ đều cho rằng vấn đề lạm phát của VN chỉ mang tính tạm thời và họ ủng hộ các giải pháp kìm chế lạm phát của Chính phủ VN. Ông Michael J. Pease khẳng định: "VN vẫn là điểm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài. Các công ty Mỹ đang mong muốn được tận dụng những cơ hội đầu tư mới trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ ở VN".

Ủng hộ các giải pháp kìm chế lạm phát của VN, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia khẳng định: "Sự tăng trưởng kinh tế hiện tại ở VN là những dấu hiệu cho thấy VN sẽ trở thành một nền kinh tế chủ chốt trong tương lai gần".

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) trong sáng nay cũng đưa ra công bố đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á theo định hướng kinh doanh trong vòng 5-10 năm tới. Kết quả của JETRO được tiến hành năm 2007 với sự tham gia của trên 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

JETRO cho hay các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm 2008 do kỳ vọng doanh thu xuất khẩu tăng. Có tới 92,6% công ty sản xuất và 88% công ty phi sản xuất Nhật Bản trong diện điều tra cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 11 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa ra trưng cầu ý kiến doanh nghiệp đợt này.

Kết quả điều tra của JETRO cũng cho thấy, mặc dù có những kỳ vọng như vậy nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng với địa điểm đầu tư tại Việt Nam đã giảm từ vị trí đứng đầu ASEAN với 75,4% năm 2006 xuống vị trí thứ 5 trong 6 nước ASEAN có nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động với 41,7%.

Nguyên nhân được cho là do Việt Nam thua kém các nước ASEAN khác về khả năng mua nguyên liệu phụ tùng trong nước và do cơ sở hạ tầng kém phát triển.