Xúc tiến đầu tư các dự án: Vẫn còn những “hạt sạn”

13:36, 01/06/2008

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Thái Nguyên đã có 127 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 49 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn của các tập đoàn tên tuổi đang được triển khai nhanh chóng và hiệu quả tại địa phương. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xúc tiến đầu tư khiến không ít dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

Dự án xây dựng Khu dân cư (KDC) số 3, 4 phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) được triển khai từ năm 2004 với tổng vốn đầu tư phê duyệt trên 40 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch KDC trên 20ha, trong đó đất quy hoạch xây dựng nhà ở là 29.000m2. Đây được xem là KDC quy mô và hiện đại đầu tiên của tỉnh. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng ban đầu của KDC là UBND T.P Thái Nguyên, Chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê là Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên. Mặc dù đã qua 4 năm triển khai, nhưng dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện.

Theo ông Vũ Đức Tư, Giám đốc Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên thì hiện KDC có tới 30% diện tích chưa giải phóng được mặt bằng, vì thế 30% diện tích chưa xây dựng hạ tầng. UBND tỉnh đã có Quyết định cho phép UBND thành phố thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất gồm 211 lô với diện tích 29.158m2 cho Công ty, nhưng đến nay Công ty mới được giao 135 lô, tương đương với 22.000m2. Một tồn tại nữa mà đã nhiều lần Công ty có ý kiến nhưng chưa được giải quyết đó là việc đầu tư các hạng mục cấp điện, cấp nước cho KDC. Về lý mà nói thì việc đầu tư các hạng mục cấp điện, nước phải thuộc về chủ đầu tư xây dựng hạ tầng ban đầu cho KDC và thuộc về những đơn vị kinh doanh điện, nước. Nhưng, vì chưa thống nhất được giữa các cơ quan, đơn vị nên các hạng mục này đến nay vẫn chưa được bổ sung vào Dự án.

Để sớm hoàn thiện hạ tầng, thu hút khách đến mua nhà ở trong KDC, Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên đã ứng vốn trên 2 tỷ đồng lắp đặt trục điện, nước và hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh. Nếu không được bổ sung vốn, 80 hộ dân trong KDC sẽ phải đóng thêm từ 20-25 triệu đồng/hộ để chi trả tiền đầu tư điện, nước. Những tồn tại và vướng mắc trên đều thuộc về chủ đầu tư hạ tầng là UBND T.P Thái Nguyên. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Bùi Xuân Hoà khẳng định: Thành phố sẽ xem xét và sớm giải quyết những tồn tại của Dự án trên.

Tháng 10-2007, Dự án xây dựng Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Sông Cầu do Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương- Hoàng Bình làm chủ đầu tư đã chính thức động thổ khởi công. Dự án có quy mô lớn, tổng đầu tư 85 tỷ đồng, diện tích mặt sàn trên 10.000m2, hứa hẹn là nơi nghỉ ngơi sang trọng, tiện nghi và hiện đại bậc nhất của vùng Đông Bắc. Tuy nhiên đến nay, Dự án này vẫn chưa thể thi công bởi còn mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Vẫn còn trên 10 hộ dân sinh sống trong vùng quy hoạch dự án chưa nhận tiền bồi thường và di dời nhà cửa. Ông Vũ Dương Bình, Tổng Giám đốc Công ty phàn nàn: Thủ tục hành chính của tỉnh đôi chỗ còn rườm rà. Chúng tôi đã chạy đôn, chạy đáo nhiều ngày và phải làm thủ tục để có được trên 30 loại giấy tờ, văn bản cho Dự án này mà đến nay vẫn chưa xong các thủ tục để được bàn giao mặt bằng...

Có thể thấy hàng chục dự án đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì nhiều dự án thực hiện chậm so với dự kiến, có dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng mất hàng năm, thậm chí vài năm vẫn chưa giao được mặt bằng. Tiến độ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các Khu công nghiệp như điểm đầu nối vào Khu công nghiệp, doanh nghiệp, trạm biến áp, hệ thống dẫn nước còn rất chậm... Những tồn tại trên được xác định chủ yếu thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương. Một số ngành, địa phương chưa có sự chủ động phối hợp giải quyết những vướng mắc, tồn đọng, chưa thật gần gũi với doanh nghiệp, còn giữ nếp làm việc cũ là chờ nhà đầu tư đến đề nghị làm việc chứ chưa tìm đến nhà đầu tư để giúp đỡ. Hơn nữa, tỉnh ta hiện nay chưa có quỹ đất “sạch” cho các nhà đầu tư thực hiện dự án ngay, do vậy gánh nặng trong giải phóng mặt bằng đang đè lên vai các nhà đầu tư. Do đó, việc giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án lớn đang gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu thu hút đầu tư của tỉnh tới đây.

Để giải quyết những tồn tại trên, tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung cao độ giải quyết những vướng mắc cho các doanh nghiệp. Cụ thể là thành lập Ban chỉ đạo giải quyết nhanh những vấn đề về đầu tư; ra mắt Văn phòng “một cửa liên thông” cải cách thủ tục hành chính; tập trung vốn và nguồn nhân lực để giải phóng mặt bằng giao đất nhanh hơn cho các nhà đầu tư; tiếp tục quy hoạch tổng thể, chi tiết các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, ngay trong tháng 6 và cả quý III năm nay, tỉnh xác định là thời điểm “hành động” về giải phóng mặt bằng. Một số vướng mắc của các dự án trọng điểm đã được tỉnh cam kết giải quyết dứt điểm trong tháng 6-2008...