Mỏ Khánh Hòa có trữ lượng than lớn nhất tỉnh; tên Mỏ bắt nguồn từ mối quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Bắc Thái khi đó (năm 1967) với một địa phương xa xôi ở Nam Trung bộ - tỉnh Khánh Hòa… Ngoài những thông tin đó, ít người biết rõ vùng mỏ Anh hùng này đã có lịch sử cả trăm năm, trải qua rất nhiều thăng trầm và có những đóng góp lớn trong từng giai đoạn, là nơi ghi dấu sự kiện quân dân ta bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000... Và nay, dù những khó khăn vẫn chồng chất nhưng từng con người trong tập thể đó vẫn luôn lạc quan, tự tin, đoàn kết để cùng viết tiếp truyền thống.
Ông Nguyễn Xuân Hoan, nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lịch sử vùng mỏ, nơi ông đã gắn bó cả đời công tác và coi như máu thịt của mình. Cống hiến tại Mỏ liên tục từ năm 1983 đến khi về hưu năm 2018, nhất là trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty, ông Hoan am hiểu và chứng kiến rất nhiều đổi thay, những “nốt thăng, nốt trầm” của vùng mỏ…
Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã bắt đầu khai thác than ở đây, giai cấp công nhân vùng mỏ cũng hình thành từ đó, họ bị đánh đập, bị bóc lột thậm tệ, bị bỏ đói nên hàng trăm người đã chết. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Mỏ than Khánh Hòa khi đó thuộc vùng than Quán Triều – Làng Cẩm, là một trong những mỏ quan trọng và đầu tiên được thành lập.
Than của Mỏ đã thắp sáng Nhà máy điện Yên Phụ trong những ngày quân dân ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, phục vụ cho công cuộc kiến thiết đất nước, phát triển nền công nghiệp non trẻ trước khi trở thành nguồn nguyên, nhiên liệu chính cho Xi măng Quán Triều và Nhiệt điện Cao Ngạn như ngày nay…
Trong những năm tháng đất nước khó khăn, còn chiến tranh, công nhân vừa là thợ mỏ vừa là chiến sĩ. Sự kiện rất đáng nhớ là Đội tự vệ Mỏ bắn rơi chiếc máy bay thứ Mỹ thứ 1.000 khi chúng xâm phạm miền Bắc vào năm 1966 (địa danh đồi Một Nghìn trong phạm vi Mỏ ngày nay là chứng tích cho sự kiện hào hùng đó); hàng trăm thanh niên là công nhân Mỏ đã lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh.
Vượt qua giai đoạn rất khó khăn (2012-2014), những năm gần đây Công ty Than Khánh Hòa đã cơ cấu lại sản xuất, lao động và luôn đạt kết quả sản xuất, kinh doanh tốt. Cụ thể, năm 2021: Sản lượng than nguyên khai đạt 451 nghìn tấn (vượt kế hoạch 7,6%); doanh thu đạt 846 tỷ đồng (vượt kế hoạch 5,8%); thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 11 triệu đồng/người/tháng… Mỗi năm, đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty đều có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng. |
"Vậy nên, mỏ này đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhiều thế hệ. Truyền thống lịch sử, sợi dây liên kết vô hình nhưng rất bền chặt đó vẫn không ngừng được phát huy. Tập thể Mỏ lúc nào cũng như một gia đình lớn, mọi người luôn đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau, chữ “đồng tâm” được nhấn mạnh trong phương châm của đơn vị nhiều năm qua cũng thể hiện điều đó." - Ông Hoan khẳng định như vậy và rằng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi từ vị trí lái xe vận tải của Mỏ, được cử đi học và tốt nghiệp Đại học Công đoàn, dù nhiều nơi tha thiết muốn nhận nhưng ông nhất quyết quay về nơi này cống hiến.
Có những thời kỳ Mỏ gặp khó khăn đến mức đứng trước nguy cơ giải thể vì cơ chế và nhiều lý do khác; hay gần hơn là cách nay khoảng 10 năm, công tác giải phóng mặt bằng bế tắc, hệ số bóc đất đá quá lớn, chi phí sản xuất cao khiến Mỏ phải sản xuất cầm chừng, thua lỗ… nhưng không mấy người “dứt áo ra đi”. Họ chọn ở lại và cùng gánh vác khó khăn, tin tưởng vào tương lai xán lạn và họ đã được đền đáp. Theo ông Nguyễn Xuân Hoan, ngoài sự nỗ lực của Ban lãnh đạo, sự quan tâm chăm lo của tổ chức Công đoàn thì chính truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết, yêu thương là yếu tố quan trọng níu chân họ lại. Có gia đình tới 4 đời làm thợ mỏ ở đây…
Đứng trên bờ moong nhìn xuống khai trường hun hút, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Huân tự hào giới thiệu với chúng tôi: Moong trông vậy thôi mà rộng hơn trăm héc ta đấy anh ạ, độ sâu cũng hàng trăm mét rồi. Địa chất Mỏ phức tạp, vỉa than dốc và biến động mạnh, bãi đổ thải ngày càng xa, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn… nhưng nhiều năm gần đây, Công ty luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam giao, đời sống người lao động được nâng lên không ngừng. Anh em phấn khởi lắm vì giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Công đoàn Công ty Than Khánh Hòa luôn sát cánh động viên, hỗ trợ người lao động, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.
Tôi được đọc nhiều báo cáo của Công ty Than Khánh Hòa, từ công tác Đảng đến chuyên môn rồi Công đoàn, đặc biệt là diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập Công ty (năm 2019). Trong đó, một nhân tố được nhắc đi nhắc lại trong “nguyên nhân thành công” là truyền thống, tinh thần đoàn kết, sự yêu thương gắn bó, nỗ lực cống hiến của đội ngũ công nhân. Tập thể có lịch sử hơn 70 năm này coi đó là nét văn hóa mang đậm bản sắc của mình.
Qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Công ty Than Khánh Hòa – chi nhánh Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba…. |