Những ngày đầu tháng Tám, nắng như đổ lửa. Cái nóng oi ả khiến lưng áo ướt mồ hôi, nhưng khi đi thực tế, tham quan những mô hình thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế của Dự án Núi Pháo, đoàn cán bộ Công ty CP Masan High-Tech Materials (MTH) không ai cảm thấy mỏi mệt, bởi thành quả mà những người nông dân đạt được hôm nay khiến ai cũng vui lây.
Giữa lưng chừng đồi, trong bạt ngàn màu xanh của chè, các cán bộ của MHT đã tới thăm và hỏi han nông dân xã Phục Linh (Đại Từ) về cách chăm sóc, sản xuất, chế biến chè. Đoàn cũng đến xã Tân Linh thăm mô hình nuôi ong lấy mật; qua thị trấn Hùng Sơn “mục sở thị” quy trình sản xuất của doanh nghiệp may bao bì...
Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, ông Craig Bradshaw cũng có mặt trong Đoàn, trực tiếp lắng nghe, cảm nhận để có những giải pháp giúp đỡ thiết thực nhất cho người dân, hỗ trợ những gì người nông dân đang cần, chứ không phải là trao cho họ những gì Công ty có.
Chị Đào Thị Thức, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chè Nhật Thức (xã Phục Linh, Đại Từ) cho biết: Người dân Phục Linh nói riêng và huyện Đại Từ nói chung phần lớn sống dựa vào cây chè. Trước kia, người dân sản xuất chè theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao, thị trường tiêu thụ khó cạnh tranh nên giá bán thấp. Nắm được thực tế đó, Công ty Núi Pháo có nhiều hoạt động góp phần thay đổi tư duy người trồng chè thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Nhờ đó, giá bán chè đã tăng lên đáng kể. Riêng sản phẩm chè của HTX chúng tôi có giá bán từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg, đảm bảo thu nhập trung bình cho 25 xã viên đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Công ty Núi Pháo về kỹ thuật, phân bón, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu... để cây chè Phục Linh khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Ông Craig Richard Bradshaw tham quan mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Phạm Văn Dương, ở xóm 8, xã Tân Linh.
Không trao “con cá” mà trao “cần câu”, hướng dẫn người nông dân sinh kế ngay trên ruộng vườn của họ, qua đó, nâng cao thu nhập từ sản phẩm chè - cây kinh tế trọng điểm của các xã trong khu vực Dự án là mục tiêu của Masan High-Tech Materials. Công ty đã hỗ trợ thành lập được 17 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 500 hộ tham gia; trên 110ha chè đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ngoài ra, Công ty đã hỗ trợ chuyển đổi mô hình chè VietGAP sang chè hữu cơ trên diện tích trên 10ha với 40 hộ tham gia; ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ thực hiện chương trình tín dụng vi mô giúp gần 400 hộ được vay vốn quay vòng phát triển kinh tế gia đình với số vốn gần 13 tỷ đồng.
Không chỉ đầu tư sản xuất chè, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật; thành lập HTX dịch vụ, các mô hình cung ứng địa phương nhằm cung cấp các mặt hàng, dịch vụ cho Công ty, như: Giá đỡ hàng, quần áo đồng phục, dịch vụ vận tải, ăn uống... Các cơ sở này cũng đã góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 120 lao động là những hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án với mức thu nhập bình quân từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.
Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials Craig Richard Bradshaw, cho hay: Chúng tôi luôn chú trọng thực hiện các hoạt động hỗ trợ, phát triển cộng đồng, với mong muốn người dân trong khu vực lân cận Dự án Núi Pháo đều được hưởng lợi từ hoạt động của Công ty. Thực tế, không phải người dân nào cũng có thể tham gia vào hoạt động khai thác hoặc chế biến khoáng sản, nên trách nhiệm của chúng tôi là chia sẻ lợi ích bằng các hoạt động hỗ trợ bền vững cho cộng đồng, như giúp họ chuyển đổi sang các mô hình kinh tế hiệu quả hơn, như trồng chè theo quy trình VietGAP; nuôi ong lấy mật; may đồng phục, bao bì cho Công ty... MTH tự hào vì được tham gia hỗ trợ và là một nhân tố tích cực trong việc đóng góp vì sự phát triển kinh tế bền vững của huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Chỉ tính trong giai đoạn 2006-2021, Công ty đã chi 3.868 suất phục hồi kinh tế với số tiền 23,209 tỷ đồng thông qua các chương trình đào tạo các nghề: May, sản xuất tăm tre, lái xe, hàn sắt, bảo vệ, nấu ăn, khởi sự kinh doanh, đào tạo cộng đồng; các chương trình khuyến nông, như trồng nấm, chè, rau an toàn; nuôi bò, nhím, gà, ong, lợn... Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bằng các chính sách riêng, thông qua các chương trình phục hồi kinh tế và trợ cấp cho các nhóm đặc biệt khó khăn ngoài chính sách của Nhà nước, với hơn 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp.
“Công ty mong muốn tiếp tục hỗ trợ cho những thế hệ tương lai bởi vòng đời hoạt động của mỏ Núi Pháo là hữu hạn. Bởi thế, chúng tôi đang nỗ lực đưa công nghệ tái chế và sản xuất vật liệu tiên tiến về Việt Nam. Từ đó, trách nhiệm cộng đồng cũng sẽ lâu dài, bền vững hơn. Chúng tôi luôn tìm hiểu và lắng nghe người dân để biết họ muốn gì và cần gì? Trách nhiệm của chúng tôi là giúp họ thực hiện ước mơ của mình. Đó chính là lý do chúng tôi hỗ trợ họ trồng chè, nuôi ong và nhiều hoạt động sản xuất khác... Công ty đã và đang chứng tỏ với Việt Nam và thế giới rằng, một dự án khai thác và chế biến khoáng sản hoàn toàn có thể hoạt động hài hòa với cộng đồng địa phương, để cùng nhau phát triển và thành công. Đó là một khát vọng lớn và chúng tôi tin rằng mình đang thành công.” - Ông Craig Richard Bradshaw khẳng định.