Sau thời gian dài bị đình trệ bởi dịch bệnh COVID-19, Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện, đầu tư mới dây chuyền công nghệ Nhà máy luyện Ferro Silic lớn nhất Việt Nam. Ngày 2-12, Công ty cho ra lò mẻ Ferro Silic đầu tiên tại Thái Nguyên.
|
Mẻ Ferro Silic đầu tiên ra lò là niềm mong đợi của gần 300 cán bộ, công nhân viên Công ty. Việc chủ động về nguyên liệu giúp ngành Thép Việt Nam có vị thế vững chắc hơn trên thế giới. |
Ferro silic được làm từ thạch anh (hay silica), vảy thép và than bán cốc (than lan), bằng cách nấu chảy trong lò nung Ferro. Mặc dù là nguyên liệu quan trọng trong ngành luyện thép nhưng hiện nay sản phẩm này chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá không ổn định và khó mua.
Từ thực tế đó, Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã đầu tư trên 115 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến Ferro Silic đầu tiên tại Thái Nguyên. Với công suất thiết kế đạt 12.000 tấn mỗi năm, đây sẽ là nhà máy có sản lượng lớn nhất và dây truyền sản xuất hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay, đáp ứng yêu cầu của ngành luyện kim trong nước và xuất khẩu.
Hiện Nhà máy sử dụng thiết bị lò hồ quang kín, với hệ thống cấp nhiên liệu tự động, được kiểm soát và điều khiển bằng hệ thống máy vi tính. Đặc biệt, Nhà máy được đầu tư hệ thống xử lý môi trường với hệ thống lọc bụi hiện đại nhất cho phép xử lý triệt để khói bụi và thu hồi tối đa phế thải để tái chế, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Ông Gou Zhanlin, chuyên gia Trung Quốc, đánh giá: Với trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, lò luyện Ferro Silicon 16500KVA của Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên có khả năng sản xuất FeSi 72% đạt 50 tấn/ngày, FeSi 75% đạt 40 tấn/ngày. Trong đó, sản phẩm FeSi phục vụ chủ yếu cho các nhà máy luyện thép trong nước và FeSi 75% có ưu thế xuất khẩu. Thời gian vừa qua, chúng tôi vừa tiến hành sản xuất, vừa đào tạo, chuyển giao công nghệ cho công nhân Nhà máy vận hành thiết bị, thao tác sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản công nhân tại đây đã nắm rõ quy trình và bước đầu làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên, cho biết: Mẻ Ferro Silic đầu tiên ra lò là niềm mong đợi của gần 300 cán bộ, công nhân viên Công ty. Bởi dây chuyền sản xuất này đã được chúng tôi ấp ủ từ năm 2019. Nhưng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến quá trình nhập máy móc, thiết bị bị gián đoạn, kéo dài đến nay mới có thể chính thức vận hành sản xuất. Dự kiến, trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất và cung cấp ra thị trường trên một nghìn tấn Ferro Silic 75%. Nhà máy đang tạo việc làm ổn định cho 150 lao động tại địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng khoảng 100 lao động vào làm việc.
Việc Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên sản xuất thành công sản phẩm Ferro Silic không chỉ là mang lại doanh thu cho Công ty, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn là dấu mốc lớn trong ngành luyện kim Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó góp phần phát huy lợi thế về chế biến sâu khoáng sản, giảm xuất khẩu quặng thô, tăng giá trị sản phẩm, ngân sách địa phương và vị thế của ngành Thép Việt Nam trên thế giới.
Dưới đây là một số hình ảnh về Nhà máy luyện Ferro Silic lớn nhất Việt Nam của Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên vừa đưa vào vận hành:
Công đoạn chuẩn bị sản xuất FeSi. |
Nguyên liệu thô được tập kết trước khi đưa vào dây chuyền. |
Nguyên liệu thô được đưa vào dây chuyền. |
Quắc zít, than cốc, phoi tiện được cân định lượng và đưa lên đỉnh lò trộn đều. |
Các công nhân đưa nguyên liệu được trộn đều vào lò hồ quang. |
Quy trình vận hành lò được kiểm soát nghiêm ngặt bởi các kỹ sư người Trung Quốc. |
Phòng điều khiển thiết bị giám sát chặt chẽ quy trình, nhiệt độ, nguồn điện để vận hành lò hồ quang. |
Các công nhân dùng khí oxi để thông lò trước và trong khi ra sản phẩm FeSi. |
Mẻ Ferro Silic đầu tiên ra lò là niềm mong đợi của gần 300 cán bộ, công nhân viên Công ty. Việc chủ động về nguyên liệu giúp ngành Thép Việt Nam có vị thế vững chắc hơn trên thế giới. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin