Chính quyền - doanh nghiệp: Thấu hiểu để đồng hành hiệu quả

Trần Quyền 11:01, 13/10/2023

Cấp ủy, chính quyền đồng hành với doanh nghiệp (DN), phương châm này từ lâu đã không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà được tỉnh Thái Nguyên thể hiện rõ nét trong hoạt động điều hành, trong việc triển khai các cơ chế, chính sách, đặc biệt là quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Sự “đồng hành” ấy đang ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn khi cấp ủy, chính quyền các cấp luôn lắng nghe và thấu hiểu DN.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh tại một sự kiện. Ảnh: Lăng Khoa
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh tại một sự kiện. Ảnh: Lăng Khoa

Tương tác 2 chiều

Hoạt động đối thoại giữa các cấp, ngành và cộng đồng DN để giải quyết những khó khăn, vướng mắc là rất hữu ích, nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những diễn đàn mở, hội thảo, tọa đàm, cuộc gặp gỡ không mang tính nghị sự. Ở đó, các doanh nhân có thể thoải mái, thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng, mạnh dạn đề xuất giải pháp, hoặc đề nghị thay đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp…

Đó là bày tỏ của ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN TP. Thái Nguyên. Cũng theo ông Quang - người đã có rất nhiều năm làm công tác hội DN, đây là mong muốn chung của cộng đồng doanh nhân.

DN muốn được tương tác nhiều hơn với chính quyền, như vậy họ cảm thấy được tôn trọng hơn, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, trách nhiệm với cộng đồng và cũng là để đồng hành với chính quyền.

Ông Phạm Văn Quang và nhiều đại diện DN cho rằng, các cấp, ngành của Thái Nguyên ngày càng hiểu DN hơn, điều đó xuất phát từ cả 2 phía: Chính quyền lắng nghe, cầu thị hơn, trong khi cộng đồng DN có nhiều diễn đàn, cơ hội để bày tỏ, hướng đến mục đích chung là cùng phát triển. Trong nhiều dịp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sự phát triển của DN là sự phát triển của Thái Nguyên và ngược lại.

Cộng đồng DN Thái Nguyên cũng như cả nước đã, đang trải qua giai đoạn rất khó khăn trong và sau đại dịch COVID-19. Để vượt qua những khó khăn mà nhiều người nói là “chưa từng có” ấy cần bản lĩnh, tài năng của các doanh nhân, sự nỗ lực của từng công nhân và không thể thiếu sự đồng hành, sẻ chia, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trong bối cảnh đó, từ tỉnh đến các sở, ngành và địa phương cấp huyện đã tổ chức nhiều diễn đàn, điểm nhấn là các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN (dịp này, các sở, ngành, địa phương cấp huyện thực hiện chỉ đạo của tỉnh đều đã và sẽ tổ chức đối thoại).

Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với cộng đồng DN. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Hội nghị thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ, kiến tạo sự phát triển. Thái Nguyên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN, để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tại Hội nghị này cũng như nhiều cuộc đối thoại, diễn đàn khác, ngoài việc nêu lên những khó khăn, vướng mắc cụ thể, các doanh nhân, đại diện các hiệp hội, hội DN cũng kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để xử lý những “điểm nghẽn” về đất đai, thủ tục hành chính, nguồn vốn… và bày tỏ cả những điều được coi là “khó nói” của DN, chia sẻ với chính quyền khi một số tồn tại, vướng mắc không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Điều đó giúp khoảng cách chính quyền - DN ngày càng gần lại.

Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp luôn cần sự thấu hiểu, chia sẻ của chính quyền. Trong ảnh: Vận hành lò luyện gang tại Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên. Ảnh: Lăng Khoa
Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, các DN luôn cần sự thấu hiểu, chia sẻ của chính quyền. Trong ảnh: Vận hành lò luyện gang tại Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên. Ảnh: Lăng Khoa

Cam kết rõ, giải quyết nhanh

Điểm chung trong những cuộc đối thoại giữa các cấp, ngành của tỉnh với cộng đồng DN thời gian gần đây là tất cả những câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của DN đều được lắng nghe, tiếp thu; những vướng mắc, vấn đề thuộc thẩm quyền được đại diện các cấp, ngành liên quan giải trình, đưa ra giải pháp và đặc biệt là nêu thời hạn giải quyết cụ thể cho DN. Những nội dung không thuộc thẩm quyền cũng được giải thích rõ để DN hiểu và chia sẻ.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với cộng đồng DN do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức tháng 7 vừa qua, có những kiến nghị của DN được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cam kết trực tiếp chỉ đạo giải quyết, trả lời DN.

Tháng 5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư; giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành và địa phương để giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án; thống nhất, đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn.

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng của Hội DN TP. Thái Nguyên tháng 8 vừa qua với sự tham gia của lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành liên quan được cộng đồng DN trên địa bàn đánh giá rất cao vì những cam kết mạnh mẽ, cụ thể của cơ quan nhà nước. Ví dụ: Sở Công Thương cam kết thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hội chợ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường đào tạo lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Sở Kế hoạch – Đầu tư rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp phép đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm định các dự án, cải thiện môi trường đầu tư…

Cùng với nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện.
Cùng với nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều DN trên địa bàn tỉnh rất tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, chưa có khảo sát cụ thể sau từng cuộc tiếp xúc, đối thoại với DN, nhưng nhìn chung các DN bày tỏ hài lòng khi ý kiến của họ được tiếp thu, vướng mắc họ đang gặp phải được cam kết giải quyết theo thời hạn cụ thể. Việc tỉnh xây dựng và tiến hành đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (Chỉ số DDCI) từ năm 2021 là một động lực, cũng là giải pháp buộc các cấp, ngành thay đổi tích cực, giúp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Chỉ số PCI của Thái Nguyên năm 2022 xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm trước, trong đó có nhiều chỉ số thành phần được cải thiện, như: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự…, thể hiện sự ghi nhận, gia tăng mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Mùa, Giám đốc Công ty CP Thép Toàn Thắng (Khu công nghiệp Sông Công 1): Trong quá trình hoạt động, nhất là gần 2 năm thực hiện Dự án “Đầu tư chiều sâu nhà máy luyện phôi thép hợp kim và xỉ giầu Mangan” (với tổng số vốn trên 1.700 tỷ đồng), chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan. Điều đó rất thiết thực, bởi Công ty đầu tư dự án lớn với nhiều thủ tục cần giải quyết, trong khi tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn khó khăn…

Có thể nói, đồng hành với DN là khái niệm rộng, gồm cả cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN, đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách về đất đai, nguồn vốn…, chứ không chỉ là việc chính quyền tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất thời của DN. Thái Nguyên đang nỗ lực làm tốt điều đó, trước hết là từ sự thấu hiểu DN, để đồng hành phát triển.