Không để dịch tả lợn Châu Phi tái diễn

08:51, 21/08/2020

Dù dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát khá lâu, song gần đây lại có biểu hiện quay trở lại ở một số địa phương trọng điểm chăn nuôi trong cả nước. Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại và nhỏ lẻ khá cao, nên luôn cần các biện pháp phòng, chống quyết liệt, cả trước mắt và lâu dài…

Để ứng phó với diễn biến khó lường của DTLCP, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống DTLCP giai đoạn 2020-2025”. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và tất cả các địa phương phải có phương án dài hơi để đảm bảo hạn chế thấp nhất sự xuất hiện trở lại của DTLCP.

Với Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cho cả giai đoạn với mục tiêu rất cụ thể: Phấn đấu có trên 90% số xã, phường, thị trấn không có DTLCP trong 2 năm đầu, 95% không có dịch trong 2 năm tiếp theo và trên 99% không có dịch ở 2 năm cuối. Ngoài ra, tỉnh cố gắng xây dựng thành công ít nhất 15 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn đối với DTLCP và 2 chuỗi sản xuất các sản phẩm thịt lợn an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu này cần phải triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp về quản lý và chuyên môn. Đó là, phải thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nghĩa là đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng, nâng cấp chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi…; sử dụng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Phải tổ chức nuôi tái đàn theo nguyên tắc tái đàn tại cơ sở chưa bị DTLCP hoặc đã qua 21 ngày và không tái dịch; các cơ sở chăn nuôi phải kê khai, báo cáo chính quyền và phải đảm bảo chuồng trại đủ tiêu chuẩn theo quy định…

Các chủ cơ sở chăn nuôi phải chủ động theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn thật tốt, báo cáo cơ quan thú y khi thấy những biểu hiện bất thường ở vật nuôi. Khi phát hiện ổ dịch cần tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả dương tính với mầm bệnh DTLCP. Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn ngay cả trong trường hợp không phát hiện DTLCP. Nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh, cần phải thực hiện nghiêm và quyết liệt các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán.

Đẩy mạnh quản lý giết mổ lợn theo hướng tập trung, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và quản lý chặt tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn. Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuống trại; xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi; tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi về phòng, chống DTLCP của cả người chăn nuôi và người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…

Như vậy có thể thấy, kế hoạch đã ban hành, mục tiêu, giải pháp khá đầy đủ, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong phòng, chống DTLCP. Điều kiện cần và đủ đều có, quan trọng là các cấp, các ngành phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, trách nhiệm thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.