Cách làm mới của người Mông Tam Lũng

17:28, 15/10/2020

Thay vì vào rừng kiếm cỏ, lá cây làm thức ăn cho gia súc thì những năm trở lại đây, đồng bào dân tộc Mông ở 3 xóm Lũng Hoài, Lũng Luông và Lũng Cà (gọi tắt là Tam Lũng) của xã Thượng Nung (Võ Nhai) đã chủ động được nguồn thức ăn nhờ việc trồng cỏ VA06 (cỏ voi). Qua đó đã làm thay đổi tập quán chăn thả rông gia súc, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Để phát triển kinh tế cho gia đình, cách đây hơn 10 năm, gia đình ông Lý Văn Sinh, xóm Lũng Hoài đã nuôi bò vỗ béo. Tuy nhiên thời điểm đó, nguồn thức ăn cho gia súc chủ yếu là lấy cỏ, lá cây trong rừng nên mỗi năm ông chỉ nuôi được 1-2 con. Năm 2017, gia đình ông Sinh cùng với 13 hộ dân khác trong xóm được hỗ trợ 6 bó cỏ voi/hộ (10kg/bó) về trồng từ nguồn  Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh. Từ đó đến nay, gia đình ông Sinh đã trồng và nhân rộng hơn 6 sào cỏ. Khi đã chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, ông Sinh đã mạnh dạn đầu tư và duy trì nuôi 5-7 con bò vỗ béo để bán. Ông Sinh cho biết: Cỏ voi dễ trồng, chịu hạn tốt, không đòi hỏi công chăm sóc, phát triển nhanh, giàu dinh dưỡng. Chỉ sau gần 2 tháng trồng đã có thể cắt cho bò ăn. Trồng một lần có thể cho thu hoạch trên 3 năm. Gia đình tôi không phải vất vả đi rừng lấy cỏ trong rừng như trước đây nữa.

Cũng giống như ông Sinh, từ ngày trồng được cỏ voi gia đình ông Trương Văn Tài xóm Lũng Cà đã tăng đàn từ 1 con ban đầu lên 5 con (trong đó có 1 con bò sinh sản và 4 con bò nuôi vỗ béo). Ông Tài vui vẻ nói: Gia đình hiện có gần 10 sào cỏ voi, đủ cung cấp nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn bò. Nếu trước đây để nuôi một con bò (mua khoảng 25 triệu đồng) thì phải mất 6 tháng vỗ béo mới bán được có lãi do phải phụ thuộc vào việc đi lấy cỏ trong rừng thì nay chỉ mất 3 tháng là có lãi khoảng từ 2-5 triệu đồng.

Không chỉ có ông Sinh, ông Tài mà mấy năm trở lại đây, việc trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò đã trở thành phổ biến đối với bà con đồng bào dân tộc Mông ở Tam Lũng. Đến nay, trên 200 hộ trồng đã trồng với diện tích hơn 20ha. Ông Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà cho biết: Người dân trong xóm đã tận dụng diện tích đất ven đường, bờ suối, dưới chân núi và chuyển đổi những diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. 

Việc chủ động trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc đã góp phần phát triển đàn trâu, bò của xã. Đến nay, toàn xã có gần 300 con trâu và 464 con bò với trên 300 hộ chăn nuôi, tăng gấp 3 lần so với những năm 2016 trở về trước. Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Trước đây do tập quán chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên, nên trâu, bò hay bị chết đói, chết rét trong mùa đông gây thiệt hại kinh tế cho nhiều hộ dân. Những năm gần đây cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những khu đất trống và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, bà con đồng bào Mông ở Tam Lũng nói riêng và trên địa bàn xã nói chung không chỉ chủ động nguồn thức ăn quanh năm cho gia súc, không lo trâu, bò bị chết như trước đây mà còn có thể tăng đàn, phát triển kinh tế.