Trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng: Hướng đi mới ở Đại Từ

09:13, 08/10/2020

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh đúng vào dịp chuẩn bị thu hoạch ổi Đài Loan, cam Vinh và bưởi Diễn… Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây sai trĩu quả, ông Hòa chia sẻ: Gia đình tôi có 4ha đất đồi rừng, trước đây chỉ trồng keo. Vài năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây keo không cao, chu kỳ thu hoạch lại khá lâu (khoảng 7-8 năm) nên tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị kinh tế.

Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, đầu năm 2013, ông Hòa đã phá bỏ 1ha keo để trồng thử nghiệm gần 1.000 cây cam Vinh. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, nhiều cây bị chết. Không nản chí, ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật do xã tổ chức để có thêm kiến thức về trồng trọt. Nhờ vậy, sau 3 năm, vườn cam của ông đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên với trên 7 tấn quả, thu về hơn 140 triệu đồng. Đến lứa thu hoạch thứ 2 (năm 2017), vườn cho sản lượng cao gấp 1,5 lần, với 12 tấn quả, thu về 240 triệu đồng.

Sau những thành công bước đầu, cuối năm 2017, ông Hòa quyết định phá bỏ toàn bộ 3ha keo còn lại để trồng thêm 2.000 gốc cam Vinh, 900 gốc bưởi Diễn, 200 gốc chanh, 300 gốc táo và gần 500 gốc ổi. Đến nay, mặc dù phần lớn diện tích cây ăn quả mới chỉ cho thu hoạch lứa đầu tiên nhưng gia đình ông đã thu được trên 500 triệu đồng từ việc bán gần 40 tấn quả các loại. Dự kiến, sau 2 năm nữa, khi những cây này đến độ tuổi trưởng thànhm sẽ cho thu hoạch trên 100 tấn quả các loại mỗi năm.

Từ mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng đem lại giá trị kinh tế cao của gia đình ông Hòa, nhiều nông dân khác trên địa bàn xã Bản Ngoại đã đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, người dân xã Bản Ngoại đã chuyển đổi gần 50ha đất đồi rừng sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, đến nay, xã Bản Ngoại đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 100ha tại 4 xóm: Đồng Ninh, Rừng Lâm, Quang Trung và Cao Khản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 149ha đất đồi rừng, hầu hết những diện tích này đều có độ dốc thấp nên rất phù hợp với trồng cây ăn quả, đặc biệt là những loại cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi… Những năm gần đây, nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nhiều hộ nông dân, xã đã khuyến khích và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này.

Theo đó, hàng năm, UBND xã đều ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ cây giống, phân bón với tổng giá trị hỗ trợ từ 70-100 triệu đồng/năm cho các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản trái cây cho các hộ nông dân ở vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung. Hiện nay, xã Bản Ngoại đang xúc tiến việc thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả nhằm hướng tới áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả tại địa phương. Dự kiến hợp tác xã cây ăn quả xã Bản Ngoại sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.