Để tìm đáp án cho câu hỏi: “Nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế?”, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thường tìm đến cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhờ tư vấn, hướng dẫn. Bằng cách này, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại lợi ích kinh tế. Bởi vậy, Trung tâm được xem là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nhân dân.
Thời gian gần đây, nhiều diện tích đất trống đồi trọc của xã Tân Long đã được bà con trồng các loại cây ăn quả, như: ổi, cam, bưởi… cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như với cây cam Vinh. Giống cây này được Trạm Khuyến nông huyện (1 trong 3 đơn vị được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện từ tháng 4-2019) triển khai tới bà con từ năm 2016, với quy mô 2ha. 2 năm sau, khi cây bắt đầu cho thu hoạch, quả sai, ngọt, giá bán cao, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều hộ. Hiện nay, toàn xã đã có hơn 20ha cam Vinh, tập trung nhiều ở các xóm, như: Làng Mới, Làng Giếng, Ba Đình... Với giá bán ra thị trường từ 25.000-30.000 đồng/kg, người dân có thể thu lãi hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Triều, ở xóm Làng Giếng là một trong những điển hình ở xã trong phát triển kinh tế từ trồng cam Vinh. Ông Triều cho biết: Khi huyện triển khai mô hình trồng cam Vinh, gia đình tôi đã phá bỏ 0,5ha chè trung du sang trồng cam. Hiện, với 400 gốc cam, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch được khoảng 80 tấn quả, trừ các chi phí thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Khi mới bắt đầu tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ cây giống, gia đình tôi còn được cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Cam Vinh chỉ là một trong nhiều mô hình trồng trọt được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai trong những năm qua. Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã triển khai 32 mô hình (13 mô hình chăn nuôi, 19 mô hình trồng trọt), với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,6 tỷ đồng. Việc triển khai các mô hình đã giúp cho người dân nhận thức được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần tăng thu nhập. Có thể kể đến các mô hình: Trồng nhãn ghép tại xã Hóa Trung, quy mô 4ha (nay đã nhân rộng lên 50ha toàn xã); vùng sản xuất rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nam Hòa, quy mô 5ha (nay đã nhân rộng lên 15ha); mô hình trồng bưởi tại xã Văn Hán, quy mô 5ha (nay nhân rộng 85ha)...
Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Thời gian qua, căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa lý, phong tục tập quán của người dân, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều mô hình nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho nhân dân. Đơn vị phân công cán bộ phụ trách từng địa phương để tư vấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân ở từng vùng. Tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật dựa trên đề xuất của các địa phương và người dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 150 lớp, cho trên 7.500 lượt người tham gia. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức các lớp hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...