Đẩy mạnh liên kết hộ trong sản xuất nông nghiệp

10:18, 14/10/2020

Với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Đại Từ đã xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là khuyến khích liên kết các nông hộ lại với nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đồng chí Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để có thể sản xuất hàng hóa, xuất bán ở nhiều thị trường khác nhau, hộ nông dân cá thể khó có thể làm được mà phải có sự liên kết với nhau để sản xuất với quy mô lớn; quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản phải được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của thị trường về khối lượng, chất lượng và mẫu mã... Vì vậy, huyện đã khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Từ năm 2016-2019, có 19 làng nghề chè, làng nghề truyền thống được công nhận, 68 tổ hợp tác và 31 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè. Đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề chè, làng nghề truyền thống; 50 hợp tác xã và 78 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Hợp tác xã sản xuất rau an toàn thị trấn Hùng Sơn, Hợp tác xã Chè La Bằng, Hợp tác xã Chè Nhật Thức...

Ông Trương Văn Hoạch, thành viên Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn thị trấn Hùng Sơn cho biết: Từ khi tham gia hợp tác xã, chúng tôi được tham gia tập huấn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, năng suất cao và ổn định hơn, không còn xảy ra tình trạng rau nhiễm bệnh diện rộng như trước đây. Hiện nay, Hợp tác xã có hơn 130 hộ dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 4ha. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, thị trấn thành lập cửa hàng chuyên bán sản phẩm sạch tại chợ Hùng Sơn; đồng thời, ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho 1 doanh nghiệp và nhiều trường học trên địa bàn huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên.

Cũng giống như Hợp tác xã sản xuất rau an toàn thị trấn Hùng Sơn, tháng 4-2019 tổ hợp tác chè Tân Mỹ, xóm La Yến, xã Mỹ Yên được thành lập với 10 hộ tham gia trên tổng diện tích gần 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Dương Văn Tùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Từ khi thành lập, người dân trong tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, tiến hành lắp đặt máy móc sản xuất, đóng góp, hệ thống tưới... Từ đó, sản xuất mang tính tập trung, không còn manh mún như trước, các hoạt động kiểm định chất lượng được tiến hành bài bản. Tháng 8-2020, Tổ hợp tác được huyện hỗ trợ 1 bộ tôn quay sao chè bằng gas để giảm nhân công, chè sao đảm bảo chất lượng.

Để khuyến khích bà con liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, huyện đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ như: đầu tư các hợp tác xã, tổ hợp tác 11 máy sao chè bằng gas, 4 máy hút chân không, 2 máy giữ hương, hỗ trợ 4 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các tổ hợp tác được triển khai hỗ trợ sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại - Sở Công Thương hướng dẫn các hợp tác xã đăng ký mã số doanh nghiệp, mã vạch, tham gia Website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên, hỗ trợ 2 hợp tác xã chi phí phân tích mẫu chè để tự công bố cho 5 sản phẩm chè, bao bì bảo quản sản phẩm. Trong năm 2019, có 3 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP cho 8 sản phẩm chè. Trong đó 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 3 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

Có thể khẳng định, các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp đang từng bước phát triển, thay thế dần hình thức sản xuất hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng. Thông qua hình thức thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, sau đó kết nối với các doanh nghiệp, thực hiện “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.