Xây dựng thương hiệu sản phẩm chè gắn với tiêu chí OCOP

08:58, 16/10/2020

Với gần 2.000ha chè, mỗi năm vùng chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên) sản xuất khoảng 10.000 tấn chè khô các loại. Ngoài việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đảm bảo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay các HTX, làng nghề chè nơi đây đang hướng tới xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP.

Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, xã Tân Cương có 30 thành viên chính thức và 50 thành viên liên kết với 30ha chè nguyên liệu. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất và chế biến từ 400 đến 700 tấn chè khô. Từ sản phẩm chè truyền thống, HTX đã phát triển 3 dòng sản phẩm chè có giá trị cao, được thị trường đón nhận. Tháng 8-2019, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Từ khi đạt sản phẩm OCOP, khách hàng càng tin tưởng và giá bán sản phẩm cũng cao hơn khoảng 20% so với trước. Năm nay, HTX tiếp tục đưa sản phẩm chè tôm nõn tham dự Chương trình OCOP. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chia sẻ: Mục tiêu của HTX là đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu, trong đó phấn đấu có sản phẩm mang thương hiệu Quốc gia OCOP 5 sao.

Còn HTX Chè Hương Việt, xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng với 4 thành viên chính thức và gần 70 thành viên tham gia liên kết, năm nay mới lần đầu tham dự chương trình xét sản phẩm OCOP nhưng đã mạnh dạn đăng ký 3 dòng sản phẩm trà, đó là: Hương Việt Trà (trà nõn), Quyết Thắng Trà (trà móc câu), Lộc bình Trà (trà đinh). Bà Lý Thị Hương, Giám đốc HTX tự hào: Sản phẩm trà của chúng tôi làm ra đã nổi tiếng từ nhiều năm nay, tạo dựng được uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nhưng với suy nghĩ cần phải tạo dựng thương hiệu sản phẩm hoàn hảo hơn từ chất lượng đến mẫu mã và được ngành chức năng ghi nhận nên chúng tôi mạnh dạn đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho hay:Từ trước khi có chương trình OCOP, T.P Thái Nguyên đã luôn quan tâm đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm chè Tân Cương bằng nhiều việc làm cụ thể. Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, Thành phố đã có 8/25 sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đều 3 sao. Năm nay, địa phương tiếp tục hướng dẫn bà con đăng ký dự thi 22 sản phẩm, trong đó có tới 21 sản phẩm trà và đã được T.P Thái Nguyên thẩm định xong và chuyển lên tỉnh để xem xét, ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các HTX, cơ sở sản xuất chè đều muốn được tham gia đăng ký sản phẩm OCOP, nhưng việc làm thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá khá khó khăn vì yêu cầu thông tin hồ sơ, sản phẩm quá tỉ mỉ. Ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu bày tỏ: Chúng tôi đều là những nông dân thuần chất chỉ biết chăm chút cho cây chè và làm ra sản phẩm sao cho hoàn hảo nhất, còn việc lập hồ sơ, thuyết minh cho sản phẩm chúng tôi thấy rất khó.

Còn bà Lý Thị Hương, Giám đốc HTX Chè Hương Việt nói: Từ trước đến nay chúng tôi tạo dựng thương hiệu, uy tín bằng chất lượng sản phẩm và tiêu thụ chủ yếu thị trường truyền thống, chưa xây dựng được website riêng để quảng bá sản phẩm. Đây cũng là một trong những điểm yếu của chúng tôi trong quá trình xét duyệt hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP.

Trước những băn khoăn của người sản xuất, ông Ngô Danh Thùy cho biết: Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế tiếp tục tham mưu với UBND Thành phố hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn các quy trình kỹ thuật trong sản xuất OCOP và hướng dẫn người dân hiểu biết đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị sản phẩm OCOP…