Tận dụng được lợi thế nguyên liệu sẵn có của địa phương, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề sản xuất gỗ bóc ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) đang dần phát triển, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương và nâng cao thu nhập cho các hộ dân trong xã.
Xã Tân Lợi hiện có trên 1.130ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là 933ha, còn lại là đất rừng phòng hộ. Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm thực hiện tốt. Chỉ tiêu trồng rừng hàng năm của xã Tân Lợi luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, trung bình mỗi năm, toàn xã trồng được 50ha rừng, tương đương với diện tích khai thác. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, nhiều hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư mở các xưởng sản xuất gỗ bóc ngay tại địa phương. Nếu như năm 2015 toàn xã chỉ có 1,2 xưởng sản xuất nhỏ lẻ thì đến nay toàn xã có 10 xưởng chế biến gỗ bóc. Tính trung bình mỗi năm, các cơ sở này tiêu thụ hàng nghìn m3 gỗ trên địa bàn xã và các địa phương khác, sau khi trừ chi phí mỗi xưởng được thu lãi khoảng 300-500 triệu đồng/năm.
Đến thăm xưởng chế biến gỗ của anh Trần Văn Thanh, ở xóm Cầu Lưu, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, sôi nổi của các công nhân trong xưởng cho kịp đơn hàng sắp tới. Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu nhà xưởng rộng hơn 1ha, anh Thanh chia sẻ: Xưởng bóc gỗ nhà tôi hoạt động đến nay được 1 năm, trước kia tôi cũng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng nhận thấy nhu cầu thị trường ván bóc lớn, địa phương có nguồn cung cấp gỗ đảm bảo số lượng và chất lượng, chi phí mở xưởng cũng không quá nhiều vốn nên tôi quyết tâm lập nghiệp ngay chính quê hương mình. Với 2 giàn máy bóc trị giá 1 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng xưởng của tôi sản xuất được 700m3 ván, tiêu thụ trên 2.000m3 gỗ và tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm ván bóc của xưởng được chia thành 2 loại, loại 1 có giá bán khoảng 3 triệu đồng/m3 ván, loại 2 có giá khoảng 1,7 triệu đồng/m3 ván. Bước đầu tôi thấy mô hình sản xuất ván bóc có đầu ra và thu nhập khá ổn định.
Theo các chủ sản xuất ván bóc cho biết, nếu xưởng nhỏ chỉ cần đầu tư 1 giàn máy bóc kinh phí khoảng từ 300-500 triệu đồng là có thể mở xưởng. Hơn nữa, sản xuất nghề gỗ bóc khá đơn giản, không yêu cầu tay nghề cao nên chỉ cần học vài ngày là có thể làm được. Ưu điểm của nghề sản xuất gỗ bóc là chi phí đầu tư không lớn, thời gian hoàn vốn nhanh, nguồn nguyên liệu sẵn tại địa bàn, trừ chi phí mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên là chuyện không hiếm. Bên cạnh đó, nguồn gỗ thừa cũng được bà con các nơi thu mua để làm củi đun hay làm chuồng trại. Nhờ nghề bóc gỗ, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá, giàu, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Bà La Xuân Trúc, ở xóm Làng Chàng, một lao động làm việc tại xưởng bóc gỗ của anh Thanh cho biết: Từ khi xưởng đi vào hoạt động tôi đã đến làm việc tại đây, công việc chính của tôi là mang những tấm ván đã được bóc, tách đi phơi khô và xếp vào kho. Công việc không quá vất vả lại gần nhà, làm xong việc được khoán ở xưởng tôi vẫn có thể tranh thủ cấy hái được, nhờ công việc này tôi có thêm khoản lương bình quân 4,5 triệu đồng/ tháng để lo các việc chi tiêu trong gia đình.
Ông Đinh Quốc Việt, quyền Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Các xưởng bóc gỗ trên địa bàn xã Tân Lợi đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ. Để các cơ sở này hoạt động hiệu quả, bền vững, xã Tân Lợi sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất gỗ bóc. Đề nghị chủ các cơ sở thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động cũng như cam kết bảo vệ môi trường, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.