Nỗ lực thoát nghèo ở xóm đặc biệt khó khăn

15:26, 22/11/2020

Là những xóm thuộc vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020” là sự nỗ lực không ngừng của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều xóm đặc biệt khó khăn đã giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xã Phúc Lương (Đại Từ) là xã đặc biệt khó khăn với 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, trồng rừng. Nhiều giải pháp xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, thu nhập bình quân hiện đạt 25 triệu đồng/người/năm (cao hơn 30% so với mục tiêu đề ra), hàng năm giảm 5% số hộ nghèo. Đến nay, xã đã đạt được 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Ông Tống Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã rất trăn trở với những giải pháp thoát nghèo của địa phương. Cái khó của Phúc Lương hiện nay, là sức ỳ của người dân quá lớn. Đơn cử như về cây chè, được coi là cây kinh tế mũi nhọn của xã trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chè Phúc Lương so với mặt bằng của huyện thấp cả về chất lượng và sản lượng, nguyên nhân là kinh nghiệm trồng, chế biến chưa cao, người dân lại chưa chú trọng vào làm chè. Ông Thiện bảo:

- Năm nào xã cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè nhưng người dân học xong bỏ đấy. Có một số hộ áp dụng phương pháp làm chè mới, bán được tới 300.000 đồng/kg, hiệu quả đấy, nhìn thấy ngay đấy nhưng vẫn không chịu áp dụng. Xã đã có 3 trang trại, 5 gia trại, nhưng mô hình nhỏ, ít vốn, còn rụt rè lắm.

Chúng tôi đến xóm Thành Long, gặp Trưởng xóm Tống Văn Tiến. Ông Tiến xởi lởi cho biết xóm Thành Long vừa hoàn thành ghép từ 3 xóm là Cây Ngái, Cây Tâm, Hàm Rồng, đều là các xóm đặc biệt khó khăn. Xóm hiện có 212 hộ, trên 820 khẩu, 97% là người dân tộc Tày. Xóm chỉ còn 16 hộ nghèo, đấy là đã giảm nhiều lắm rồi, chứ 5 năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Hiện bình quân thu nhập khoảng 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/người/ tháng, số hộ khá trong xóm khoảng 30%.

Ông Tiến cho biết trong mấy năm vừa qua đã có hàng chục hộ được  được Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ có máy làm đất, máy đốn cúp chè ngoài việc sử dụng trong gia đình còn đi làm thuê hoặc đổi công cho các hộ khác, có thêm thu nhập đáng kể, từ đó, bắt đầu có lực để đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu, bò… để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Chi bộ xóm, là hộ tiêu biểu về chuyển đổi cách làm ăn. Năm 2005, ông Quang mạnh dạn thế chấp bìa đỏ để vay vốn ngân hàng mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, phân bón, hàng tạp hóa các loại và đầu tư chăn nuôi mỗi năm từ 30-70 con lợn thịt. Trên diện tích 8 sào đất ruộng, ông trồng cấy 2 vụ lúa bằng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao, kết hợp trồng ngô, khoai tây và dưa bao tử vào vụ đông. Không chỉ giúp kinh tế gia đình trở nên khá giả, ông Quang còn hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi thông qua việc cho nợ tiền vật tư, thức ăn gia súc và cả chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật mới.

Cũng trong danh sách xã miền núi đặc biệt khó khăn, xã Đức Lương (Đại Từ) rất nỗ lực tìm lời giải bài toán phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: - Xưa nay xã Đức Lương luôn thuộc “tốp cuối” về phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đi chậm về sau. Xã hiện có 7 xóm, xấp xỉ 830 hộ với trên 3.100 nhân khẩu, trong đó gần 88% là người dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ làm ruộng, trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vài năm trước, xã vẫn có những xóm tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80%. Những năm gần đây người dân đã chủ động vươn lên thoát nghèo, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, xóm khó khăn nhất cũng chỉ còn khoảng 8% số hộ nghèo, thu nhập bình quân toàn xã đạt 34 triệu đồng/người/năm.

Đầu Cầu là xóm nghèo nhất của xã, có 73 hộ dân, còn 15 hộ nghèo và cận nghèo, ông Lã Văn Dần, Bí thư chi bộ xóm cho biết, nhiều hộ trong xóm được nhà nước hỗ trợ tiền mua máy, thiết bị, nông cụ sản xuất, mua trâu bò, hỗ trợ làm nhà ở. Cả xóm có 6ha chè kinh doanh, sản lượng 90 tạ/ha. Để phát triển sản xuất chè nâng cao thu nhập, hầu hết các hộ thuộc diện được hỗ trợ đều đăng ký mua tôn quay, máy vò chè, để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chè vừa giải phóng sức lao động, có điều kiện mở rộng chăn nuôi, vừa thêm tiền để trang trải cuộc sống và dành dụm tích lũy. Bà con cũng tích cực chuyển từ trồng chè trung du sang chè cành, lắp đặt hệ thống dẫn nước và tưới tự động. 

Tiêu biểu trong việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập là hộ ông Lã Viết Thụ đã mạnh dạn phá bỏ hết cả mấy đồi chè để đưa giống chè cành vào sản xuất. Ông còn đầu tư chăn gà thả vườn và lợn nái. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. 

Ông Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Khoảng 5-7 năm về trước, đến xóm chỉ thấy toàn hộ nghèo, nay đã giảm nhiều, chỉ còn 5 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Bình quân thu nhập của xóm đạt 25 triệu đồng/người/năm. Ngoài việc thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, Người dân cũng đang chung sức xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng cuộc sống mới.

Có thể thấy, cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của nhà nước, các hộ dân thuộc xã khó khăn đã tích cực vươn lên trong sản xuất, đặc biệt là tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng cây chè để nâng cao thu nhập. Thông qua các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, người dân đã nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để từ đó thoát nghèo bền vững.