Sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão đầm ấm, bà con nông dân trong tỉnh tập trung xuống đồng sản xuất để kịp khung thời vụ. Khí thế lao động hối hả trên khắp các vùng quê hứa hẹn một năm mới thắng lợi, mùa màng bội thu, nhà nhà sung túc.
Ông Nguyễn Đức Đua, ở tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), kiểm tra diện tích mạ đã gieo trước Tết Nguyên đán. |
Sáng mùng 5 Tết Quý Mão, gia đình ông Nguyễn Đức Đua, ở Tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), đã huy động nhân lực ra phát bờ, dọn cỏ và làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Ông nói: Gia đình tôi đã làm đất, đổ ải và gieo mạ từ trước Tết để vui xuân xong là có thể xuống đồng sản xuất. Vụ này, nhà tôi cấy 8 sào giống lúa TH3-7. Nước đã vào ngập ruộng, mạ cũng lên xanh, chỉ chờ máy cày, bừa đến “quét” qua 1 lượt là có thể gieo cấy.
Cũng giống như gia đình ông Đua, những ngày đầu Xuân, bà Trần Thị Mười, ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), tập trung thu hoạch nốt những luống rau vụ đông để giải phóng đất làm vụ xuân. Bà Mười chia sẻ: Nhà tôi trồng 2 sào bắp cải, súp lơ, cải bao. Sau khi thu hoạch hết rau màu, nhà tôi sẽ dẫn nước vào ruộng để làm đất gieo cấy cho kịp thời vụ. Bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng, trạm bơm của xóm sẽ vận hành bơm nước phục vụ bà con sản xuất vụ xuân.
Bà Trần Thị Mười, ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), thu hoạch rau màu để giải phóng đất làm vụ xuân. |
Đi thực tế tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi thấy không khí lao động, sản xuất đầu Xuân mới diễn ra khá nhộn nhịp. Trên các cánh đồng, hầu hết diện tích mạ của bà con đều được che phủ ni-lông đúng kỹ thuật, không có mạ bị chết rét. Đa phần khâu làm đất đều được tiến hành bằng máy, vừa giảm chi phí công lao động vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Cùng với đó, việc điều tiết nguồn nước tại các hồ chứa phục vụ sản xuất được Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên tiến hành theo đúng kế hoạch, đảm bảo kịp tiến độ làm đất, gieo cấy lúa.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình trạng nước tích trong hệ thống hồ chứa khả quan nên nhìn chung vụ xuân năm nay không khó khăn về nước tưới.
Đối với Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, đơn vị cũng đã thực hiện tốt công tác cung ứng giống, phân bón và các loại vật tư đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ bà con trong tỉnh.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy gieo cấy 28.080ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 55,82 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 156.700 tấn. Các giống lúa tỉnh khuyến cáo bà con đưa vào sản xuất gồm: SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1, Syn9, J02, TBR225, DQ11, ADI28, HD11, Thiên ưu 8…
Về khung thời vụ gieo cấy, trà xuân trung chiếm 2-3% diện tích, bà con gieo mạ từ ngày 15 đến 25/12, cấy từ ngày 15 đến 30/1, sau khi cây mạ được 3-4 lá. Còn trà lúa xuân muộn chiếm từ 97-98% diện tích, bà con gieo mạ xung quanh tiết “Lập Xuân”, ngày 4/2/2023 (tức ngày 14/1/2023 Âm lịch); cấy tập trung từ ngày 10 đến 25/2 khi mạ được 2,5-3 lá. Đối với lúa lai, bà con gieo cấy chủ yếu vào trà trà xuân muộn và kết thúc gieo cấy lúa vụ xuân trong tháng 2.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, cho biết: Những ngày này, thời tiết đang xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bà con cần chú ý theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động trong sản xuất. Đặc biệt, bà con cần lưu ý, không gieo mạ, cấy hoặc gieo thẳng vào các ngày có nhiệt độ không khí dưới 15 độ C. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, bà con tuyệt đối không bón phân đạm cho mạ và lúa sau cấy. Đối với diện tích lúa mới cấy, bà con cần duy trì lớp nước mặt từ 2-3cm để giữ ấm cho chân lúa, tăng cường khả năng chống rét. Khi trời nắng ấm trở lại, lúa bén rễ hồi xanh, vươn lá mới và ra rễ trắng thì bà con mới tiến hành bón phân như bình thường.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong vụ xuân, thời tiết vẫn có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài việc gieo trồng theo đúng lịch khung thời vụ, bà con nông dân cũng nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh hại hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến năng suất.
Đặc biệt, nếu thấy xuất hiện bệnh đạo ôn trên mạ, lúa, bà con cần dừng bón phân, không phun các thuốc kích thích tăng trưởng; giữ đủ nước trong ruộng và tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Fuji-one 40EC, 40WP, Starsuper 10SC, 20WP, 21SL… Sau từ 5 đến 7 ngày, bà con cần kiểm tra, nếu thấy bệnh chưa dừng phát triển thì cần phun nhắc lại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin