Xây dựng nông thôn mới: Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc

Lương Hạnh 11:16, 24/01/2023

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, cùng nỗ lực của nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 10 xã về đích NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 1 xã so với kế hoạch), 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; huyện Phú Bình đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Với quyết tâm cao, trong năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng NTM, như: Nghị quyết điều chỉnh Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; Nghị quyết thông qua phương án phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023; Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; xóm NTM kiểu mẫu...

Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây mới, cải tạo và nâng cấp được 450km đường giao thông, 48,5km kênh mương thủy lợi và 34 hồ, đập, kè, trạm bơm. Ngoài ra, toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo và nâng cấp 376 phòng học, 28 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 168 nhà văn hóa và khu thể thao xóm, 10 chợ nông thôn, 3 trạm y tế xã, 14 trụ sở xã, 10 điểm thu gom và xử lý rác thải, 13 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 21 trạm biến áp điện, 135km đường dây trung áp và hạ áp.

Đến nay, các tuyến đường trục xã trên địa bàn huyện Phú Bình đã được cứng hóa 100%. Trong ảnh: Tuyến đường ở xã Dương Thành được đổ bê tông rộng rãi, bảo đảm cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện.
Đến nay, các tuyến đường trục xã trên địa bàn huyện Phú Bình đã được cứng hóa 100%. Trong ảnh: Tuyến đường ở xã Dương Thành được đổ bê tông rộng rãi, bảo đảm cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện.

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh cũng chú trọng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển các ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Năm 2022, Thái Nguyên đã hỗ trợ gần 10 tỷ  đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng NTM cho các HTX, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó nhiều HTX đã tham gia liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó có một số HTX tiêu biểu, như: HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), HTX chè La Bằng, xã La Bằng (Đại Từ), HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương)…

Với những nỗ lực trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tính đến hết năm 2022, các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM (đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định và công nhận huyện đạt chuẩn NTM). 

Ngoài ra, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 109 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, 10 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 86,86%); có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 9 xã đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn (vượt 1 xã so với kế hoạch đề ra); có 4 xã NTM kiểu mẫu (đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn).

Năm 2022, giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt ở huyện Võ Nhai đạt trên 96 triệu đồng/ha. Trong ảnh: Nông dân xã Dân Tiến thu hoạch lúa mùa.
Năm 2022, giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt ở huyện Võ Nhai đạt trên 96 triệu đồng/ha. Trong ảnh: Nông dân xã Dân Tiến thu hoạch lúa mùa.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ nguồn vốn ngân sách, toàn tỉnh đã hỗ trợ 82 biển hiệu điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cho các địa phương; hỗ trợ thiết kế, mẫu mã bao bì cho 20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Năm 2022, có 44 sản phẩm OCOP được công nhận mới (7 sản phẩm 4 sao, 37 sản phẩm 3 sao), trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương công nhận; 13 sản phẩm được đánh giá, công nhận lại, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh lên 160 sản phẩm. 

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP cũng được Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh chú trọng triển khai, như: Tổ chức Hội chợ triển lãm mỗi xã một sản phẩm; tổ chức Hội thi “Tinh hoa văn hóa ẩm thực”; hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ. Ngoài ra, Văn phòng Điều phối còn tổ chức các lớp đào tạo cho các chủ thể sản phẩm OCOP về kỹ năng livestream, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số (facebook, tiktok)...

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, cho biết: Với quan điểm chỉ đạo của Trung ương “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc", năm 2023, toàn tỉnh sẽ tiếp tục huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. 

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tập trung triển khai quyết liệt, đưa Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả cao và bền vững. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân nông thôn…