Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Gỡ vướng, “tăng tốc” các dự án trọng điểm 

Hồng Hà 13:01, 23/01/2023

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang được triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc, bị chậm tiến độ. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng địa phương tập trung gỡ vướng để “tăng tốc” các dự án lớn, trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác kiểm tra các hạng mục của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác kiểm tra các hạng mục của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Xử lý dứt điểm tồn đọng tại Dự án giai đoạn 2 Gang thép

Thực tế thời gian qua cho thấy tình trạng các công trình, dự án chậm tiến độ, "trùm màn đắp chiếu" đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố. Dự án càng chậm càng bị đội vốn đầu tư, công trình không đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả đầu tư, gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Và đây chính là những “cục máu đông” cản trở sự phát triển của đất nước.

Trước thực trạng trên, thời điểm quý II năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục dành những ngày cuối tuần đi kiểm tra, khảo sát thực tế, đến tận các "điểm nóng" để chỉ đạo gỡ khó, làm sao sớm đưa các dự án chậm tiến độ "hồi sinh", đi vào hoạt động.

Ngày 31/7/2022, Thủ tướng đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - một dự án tồn đọng, kéo dài 15 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực lớn của Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho nhân dân.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng, sau đó nâng lên 8.100 tỷ đồng vào năm 2013, nhưng kéo dài đến nay chưa hoàn thành. Mặc dù Bộ Chính trị đã cho chủ trương và Chính phủ đã tập trung xử lý nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Theo các báo cáo, vướng mắc chính của Dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu thực hiện trọn gói: Thiết kế, mua sắm và xây dựng).

Trực tiếp khảo sát hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi chứng kiến nhiều hạng mục của Dự án đang bị bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, được phủ bạt ngoài trời nhiều năm nay. Thủ tướng đã gặp và trao đổi với người được phía nhà thầu thuê bảo vệ kho vật tư này.

Chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp để nghe báo cáo, ý kiến, đề xuất của các bên liên quan, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khẩn trương xử lý dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc tại Dự án với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; phải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về Dự án này, dựa vào kết luận thanh tra, xử lý của các bộ, ngành và kinh nghiệm xử lý một số dự án tồn đọng vừa qua để thực hiện.

"Người bảo vệ ở kho cũng bày tỏ "xót ruột" với thực trạng Dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy, thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào" - Thủ tướng nói. Nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm được phương án xử lý khả thi nhất cho Dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi cân nhắc, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, bảo đảm tiết kiệm nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, Gang thép Thái Nguyên có bề dày lịch sử, từng là biểu tượng của ngành công nghiệp nặng cả nước và nhiều lần được đón Bác Hồ kính yêu về thăm. Vì vậy, việc xử lý những vướng mắc của Dự án không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, về xử lý những bức xúc của nhân dân, mà còn góp phần phát triển ngành công nghiệp luyện kim, phục vụ chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng giao thông

Phát triển hạ tầng giao thông theo chủ trương “đi trước một bước”, tạo đột phá cũng là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Chiều 16/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT), chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 40 điểm cầu các địa phương.

Giai đoạn 1 của Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019.
Giai đoạn 1 của Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ GTVT đã báo cáo tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên có 1 dự án được triển khai trên địa bàn là Dự án đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 của Dự án (đoạn Chợ Mới - Chợ Chu có tổng chiều dài 17,4km) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 2 của Dự án (đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn có chiều dài 29,76km) phải được khởi công vào năm 2018 và hoàn thành cuối năm 2020, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay giai đoạn 2 của Dự án đã bị chậm tiến độ 2 năm. 

Để thực hiện Dự án, hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn chỉnh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua địa bàn hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý II/2023, sau đó tiến hành khởi công Dự án trong năm 2023, hoàn thành vào năm 2025 để bảo đảm thông tuyến toàn bộ đường Hồ Chí Minh theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các dự án nêu trên sẽ góp phần quan trọng thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận, xử lý vấn đề, thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện. 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó có tỉnh Thái Nguyên, khẩn trương rà soát các thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thủ tục hành chính, quy trình, quy phạm, tư vấn thiết kế, giám sát theo quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Cùng với đó, các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và công tác tái định cư; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm bớt thủ tục, giấy tờ không cần thiết, khẩn trương xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án…

***

Rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tìm cách giải quyết những vướng mắc, sự chậm trễ của nhiều dự án lớn. Sớm thay thế những cán bộ yếu kém, vô cảm, đủng đỉnh, "ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm" là thông điệp cần được thực thi nhất quán lúc này để khơi thông "cục máu đông" các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đầu tư, góp phần quan trọng phát triển đất nước mạnh giàu.