Khi diện tích lúa mùa sớm bắt đầu đỏ đuôi, sắp cho thu hoạch, cũng là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện để xuống giống cây trồng vụ đông. Với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân lựa chọn cơ cấu giống phù hợp và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gieo trồng rải vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bà con nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ đông. |
Thực hiện luân canh, rải vụ các loại rau ăn lá kết hợp trồng các loại cây có thể dễ dàng vận chuyển và bảo quản lâu dài, như: khoai tây, cà rốt, cà chua, su hào, củ cải... là giải pháp đang được Hợp tác xã (HTX) Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) triển khai trong vụ đông năm nay.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX, chia sẻ: Chúng tôi vừa mới xuống giống các loại cây như: rau cải, súp lơ, su hào… để bán vào đầu vụ, vì sẽ được giá cao hơn. Kế tiếp, bà con mới tiến hành trồng cà chua, khoai tây, cà rốt… Để hạn chế phần nào những tác động bất lợi của thời tiết, chúng tôi đã đầu tư nhà lưới để sản xuất rau, tiến hành che phủ các luống bằng ni-lon để hạn chế cỏ dại và giảm sự bốc hơi nước của đất. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã khoan giếng để có nước sạch tưới rau và sử dụng máy làm đất để giảm chi phí công lao động.
Hiện nay, HTX Bình Minh có 10ha trồng rau, củ, quả các loại, trong đó có 7ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Tính trên địa bàn toàn tỉnh, vụ đông năm nay, Thái Nguyên có kế hoạch gieo trồng hơn 10.200ha cây trồng các loại. Trong đó, cây ngô hơn 3.600ha, phấn đấu năng suất 46,41 tạ/ha, sản lượng đạt 16.800 tấn; còn rau các loại 6.600ha, phấn đấu sản lượng đạt 116.400 tấn.
Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây màu vụ đông, cách phân biệt phân bón kém chất lượng, sử dụng phân bón đúng cách, hợp lý… Đồng thời, các địa phương cũng khuyến cáo người dân căn cứ vào tình hình nguồn nước, đất đai để lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý.
Người dân phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) trồng ngô vụ đông trên đất soi bãi. |
Chị Nguyễn Thị Vinh, ở tổ 15, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), cho hay: Do không chủ động được nguồn nước tưới nên vụ đông năm nay, nhà tôi trồng 3 sào ngô NK6275. Đây là giống ngô cho năng suất khá cao, chịu hạn tốt. Trước đó, vụ đông năm 2022, nhà tôi đã trồng thử nghiệm và thu hoạch được 7,5 tạ ngô, thu về 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, thân cây ngô còn có thể tận dụng để làm thức ăn cho bò.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ cấu giống ngô được tỉnh khuyến khích bà con đưa vào sản xuất trong vụ đông năm nay gồm: HN88, NK4300, NK6639, NK7328, LVN61, LVN99, NK4300Bt/GT, NK7328Bt/GT, NK66Bt/GT… Trên cơ sở cơ cấu giống được tỉnh phê duyệt, các huyện, thành phố lựa chọn một số giống phù hợp, có thế mạnh để đưa vào sản xuất, khuyến khích mở rộng diện tích các giống ngô nếp, ngô ngọt có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt.
Về khung thời vụ, trà ngô sớm và trà trung, bà con gieo trồng trước ngày 20-9, còn trà muộn gieo trồng trước ngày 5-10. Đối với ngô nếp, ngô đường, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên bà con có thể gieo trồng muộn hơn, đến khoảng ngày 20-10, để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ.
Bước vào sản xuất vụ đông năm nay, bà con nông dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn do giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động do người dân đã chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp. Để giảm chi phí sản xuất, người dân đã tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ, bón phân cân đối, hợp lý tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Ngoài ra, bà con đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất để giảm chi phí công lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như che phủ ni-lon trong trồng dưa, khoai tây vụ đông giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, từ đó giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào quá trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Tính đến ngày 10-9, bà con nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được khoảng hơn 2.000ha rau các loại và trên 800ha ngô.
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Đơn vị đã có văn bản hướng dẫn về khung thời vụ, cơ cấu giống vụ đông năm 2023 gửi UBND huyện, thành phố để phối hợp chỉ đạo sản xuất hiệu quả. Các địa phương được đề nghị bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, chuẩn bị phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng...
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh các loài dịch hại, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng tăng cường các giải pháp nhằm khuyến khích bà con tập trung đầu tư sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin