Năm 2023, mặc dù gặp nhiều trở ngại nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực vượt khó và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 15.893 tỷ đồng, tăng 4,04% so với năm 2022, bằng 100,6% kế hoạch...
Nông dân xã An Khánh (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Ảnh: T.L |
Dấu ấn trên các lĩnh vực
Đứng trước những khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao; diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi..., ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp để duy trì sản xuất. Ngay từ đầu năm, Ngành đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ. Cùng với đó, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Ngành cũng tích cực đồng hành với người nông dân trong quá trình đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp; xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao...
Theo đó, kết thúc năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn tỉnh ước đạt trên 451 nghìn tấn (bằng 103,5% kế hoạch); sản lượng chè búp tươi đạt 267,5 nghìn tấn (bằng 102,1% kế hoạch), giá trị từ sản xuất chè đạt 12,3 nghìn tỷ đồng; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 272 nghìn m3 (bằng 104,6% kế hoạch). Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 221,8 nghìn tấn (bằng 100,8% kế hoạch); sản lượng thủy sản đạt 18,5 nghìn tấn (bằng 102,7% kế hoạch)...
Người dân xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thu hái chè. |
Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp chủ trương chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Ngành đã tham mưu ban hành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp. Song song với đó, để thực hiệu quả Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", toàn Ngành quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi theo hướng đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương vào sản xuất...
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng chuyên canh, sản xuất an toàn, hữu cơ. Đơn cử như đối cây lúa, trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số vùng sản xuất lúa tập trung với các giống đặc sản, với tổng diện tích khoảng 2.720ha (trong đó có 117ha lúa được cấp chứng nhậnVietGAP), như: vùng trồng lúa nếp Thầu Dầu (Phú Bình), vùng trồng nếp Vải (Phú Lương), vùng sản xuất gạo Bao Thai tập trung (Định Hóa).
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của HTX rau Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình). Ảnh: T.L |
Đối với cây chè, Ngành chỉ đạo tích cực áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào sản xuất, với diện tích khoảng 17.800 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, toàn tỉnh có 116/752 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là hình thành và duy trì 22 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ động vật, chế biến - tiêu thụ...
Cùng với thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương để kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động như: Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023; Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương; Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023; Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023...
HTX nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch (Phú Lương) tham gia Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023. |
Với những kinh nghiệm ứng phó khó khăn, thử thách, sự chủ động của các ngành hàng, truyền thống chung sức vượt khó, sáng tạo vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 560 HTX nông nghiệp, 340 tổ hợp tác nông nghiệp. Toàn tỉnh có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3-5 sao (trong đó có 91 sản phẩm đạt 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin