Nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả

Vũ Công 15:45, 11/12/2023

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó tăng cường hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án thâm canh chè theo quy trình VietGAP tại xã Vô Tranh (Phú Lương).
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án thâm canh chè theo quy trình VietGAP tại xã Vô Tranh (Phú Lương).

Với mục tiêu giúp các hộ chăn nuôi nắm vững kiến thức cơ bản về trồng ngô sinh khối và chế biến thành thức ăn cho bò, tháng 4-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình "Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt" tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ), với 30 hộ dân tham gia. Mô hình có quy mô 3ha ngô sinh khối, cung cấp thức ăn để nuôi 125 con bò. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống ngô lai đơn F1 NK7328, phân bón và kỹ thuật chế biến thức ăn tươi, ủ chua từ ngô sinh khối.

Ông Hoàng Trọng Vinh, ở xóm Tiền Phong, xã Khe Mo, một trong những hộ tham gia mô hình, cho biết: Với việc sử dụng thức ăn chế biến từ ngô sinh khối, trọng lượng mỗi con bò tăng bình quân từ 40kg trở lên/tháng. Còn theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Việc triển khai mô hình "Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt" rất phù hợp với điều kiện sản xuất, cũng như trình độ của bà con tại địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã nhân rộng mô hình ra 15 hộ khác...

Cùng với mô hình tại xã Khe Mo, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng triển khai các mô hình khác như: Ứng dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn hữu cơ (Đồng Hỷ); trồng cây Ba kích (Võ Nhai);  chăn nuôi lợn thịt gắn với chuyển đổi số và chứng nhận VietGAP (Phú Lương)... Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp triển khai các dự án giảm nghèo, như: hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Định Hóa; hỗ trợ thâm canh chè theo quy trình VietGAP. Theo đánh giá, những mô hình, dự án trên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân, làm thay đổi nhận thức của bà con trong quá trình sản xuất.

Đơn cử như Dự án thâm canh chè theo quy trình VietGAP tại xã Vô Tranh (Phú Lương) được triển khai trên quy mô 10ha, với 88 hộ dân là hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn khoa học - kỹ thuật. Anh Trần Văn Nội, ở xóm Cầu Bình 2, chia sẻ: Gia đình tôi có 4 sào chè tham gia Dự án. So với phương pháp truyền thống, việc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm như: hạn chế được việc sử dụng quá nhiều phân đạm; búp chè to, độ đồng đều cao; năng suất chè tăng 8-11%; giá bán cao hơn từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg chè búp tươi...

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thông tin: Năm 2023, Trung tâm triển khai 17 mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt. Đối với mỗi mô hình, chúng tôi đều cử các cán bộ trực tiếp phụ trách, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con và hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, với mỗi mô hình, Trung tâm hỗ trợ kinh phí về giống, thức ăn, phân bón... cho các hộ tham gia.

Nhằm phát huy vai trò, hiệu quả công tác khuyến nông, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông; tổ chức các đợt tham quan, tiếp tục phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, để nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả. Từ đó, hình thành các các tổ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân...