“Cầu nối” đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Lương Hạnh 09:42, 05/10/2023

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp - PTNT) luôn bám sát thực tế, triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó giúp nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ).
Mô hình trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ) được triển khai từ tháng 4-2023, với 30 hộ tham gia trồng 3ha ngô và nuôi tổng cộng 125 con bò. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan, học tập mô hình.

Nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tháng 4-2023, tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ), Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai mô hình trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt.

30 hộ dân tham gia mô hình trồng 3ha ngô sinh khối và nuôi 125 con bò. Bà con được hỗ trợ giống ngô, sau khi thu hoạch, ngô được chế biến thành thức ăn tươi và ủ chua để dự trữ cho bò trong thời gian vỗ béo.

Đàn bò được tiêm tẩy ký sinh trùng trước khi vỗ béo và ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh hợp lý nên tăng trọng nhanh. Sau 3 tháng vỗ béo, trừ chi phí, mỗi con bò cho thu lãi trên 5,2 triệu đồng, cao hơn gần 1 triệu đồng/con so với chăn nuôi bò thông thường.

Mô hình giúp bà con nắm được kỹ thuật trồng cây ngô sinh khối, kỹ thuật chăn nuôi bò thịt vỗ béo, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng thêm 30 con bò với 15 hộ tham gia.

Còn tại 2 xã La Hiên và Phú Thượng (Võ Nhai), từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình thâm canh na rải vụ với diện tích 3ha.

10 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cắt tỉa cành, tuốt lá, chế độ tưới nước...

Theo đó, người dân đã chủ động bố trí nguồn nhân lực tự chăm sóc, bón phân và thụ phấn cho na, giúp kéo dài thời gian thu hoạch.

Ông Kiều Thượng Chất, một người dân tham gia mô hình ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, hạch toán: Sản xuất na rải vụ, chúng tôi phải mất chi phí cao hơn 6 triệu đồng/ha nhưng ngược lại sẽ thu về lợi nhuận 260 triệu đồng/ha, cao hơn 60 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Mô hình cũng giúp bà con thay đổi thói quen sản xuất, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt…

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Có thể kể tên một số mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực như: Sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 60ha ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên; mô hình ghép cải tạo vườn cây ăn quả; ghép cải tạo nhãn chín sớm, chín muộn ở Đồng Hỷ; mô hình chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Có thể nhận thấy, các dự án, mô hình do Trung tâm triển khai đều tập trung cho một số đối tượng cây, con chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị.

Không chỉ chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, Trung tâm còn khuyến khích bà con sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; đồng thời hỗ trợ người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Việc xây dựng thành công và nhân rộng các mô hình đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung ở các địa phương, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các vùng chè đặc sản như: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương)… cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra còn có các vùng cây ăn quả chất lượng cao như: Vùng trồng na ở La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (Võ Nhai); vùng trồng nhãn ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), Quân Chu (Đại Từ); vùng trồng bưởi ở xã Tiên Hội, Hoàng Nông (Đại Từ), Tràng Xá, Dân Tiến (Võ Nhai)...

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sản xuất theo vùng nguyên liệu tập trung đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt, năm 2010 đạt 55 triệu đồng/ha, năm 2022 tăng lên 123,2 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh không ngừng tăng, năm 2010 đạt hơn 7.600 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng lên trên 15.260 tỷ đồng;

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, đánh giá: Việc triển khai các mô hình đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả…