Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Vũ Công 11:35, 05/01/2024

Do cấy lúa kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Long, ở xóm Mây, xã Văn Yên (Đại Từ) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng của gia đình sang trồng các loại rau màu. Mô hình này đã đem lại hiệu quả, giúp gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Long chăm sóc ruộng rau của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Long chăm sóc ruộng rau của gia đình.

Trước đây, anh Long làm nghề mộc và có một cơ sở sản xuất gỗ riêng. Nhưng do lượng đơn hàng giảm sút, khó duy trì sản xuất, năm 2021, anh buộc phải đóng cửa xưởng gỗ sau 14 năm gắn bó với nghề. Để có thu nhập, vợ chồng anh Long đã chuyển sang buôn bán các loại rau xanh. Hằng ngày, vợ chồng anh đến các vùng trồng rau tập trung trong huyện để mua rau giống và rau ăn, sau đó đem đến các chợ để bán kiếm lời. 

Trong thời gian này, anh Long nhận thấy nhiều hộ dân có thu nhập cao nhờ chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, năm 2022, anh Long đã quyết định chuyển đổi 10 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây rau màu.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Long nói: Diện tích ruộng này bố mẹ tôi vẫn cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu. Tuy nhiên, do đất ruộng không bằng phẳng nên việc tưới tiêu gặp khó khăn, dẫn đến năng suất lúa đạt thấp, vụ nào được mùa cũng chỉ đạt 1,5 tạ thóc tươi/sào. Ban đầu, khi vợ chồng tôi đưa ra ý tưởng chuyển toàn bộ đất lúa sang chuyên canh cây màu, bố mẹ tôi cũng phản đối, bởi lo lắng rau trồng ra không bán được, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Nhưng thấy quyết tâm của hai vợ chồng, sau đó bố mẹ tôi đã đồng ý và còn cùng tham gia.

Để thuận lợi trong quá trình sản xuất, vợ chồng anh Long đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo lại ruộng cho bằng phằng, mua các loại máy móc (máy làm đất, máy lên luống, máy gieo hạt) và quây lưới sắt xung quanh ruộng để hạn chế gia súc, gia cầm phá hoại. Từng ruộng trồng rau được anh Long quy hoạch rất cẩn thận, chia thành các ô khác nhau để trồng nhiều loại rau như: cà chua, bắp cải, su hào, bí đỏ, dưa leo...

Hiện nay, anh Long trồng song song rau giống và rau ăn, tất cả quy trình sản xuất đều áp dụng theo hướng VietGAP. Hàng ngày, ngoài lượng rau được thương lái đến tận vườn thu mua, số còn lại vợ chồng anh chở đi các chợ để bán.

Sau gần 2 năm chuyển đổi, lợi nhuận từ trồng rau màu đem lại khá cao. Anh Long khẳng định: Tôi nhận thấy điều kiện thời tiết ở địa phương có thể trồng rau quanh năm. Tuy công lao động nhiều hơn, nhưng bù lại cây rau màu mang lại nguồn thu cao hơn nhiều so với cấy lúa. Nếu như với 10 sào ruộng, trước đây canh tác đủ 2 vụ lúa và 1 vụ màu chỉ cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng màu, gia đình tôi thu nhập gấp hơn 4 lần, đạt khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh Long không chỉ giải quyết được việc làm cho 4 nhân khẩu trong gia đình, mà còn tạo việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương. Đang cặm cụi nhặt từng cây cỏ trên luống rau cải bắp, bà Lưu Thị Mão, cùng ở xóm Mây, chia sẻ: Năm nay tôi đã ngoài 60 tuổi, không thể làm thêm được các công việc nặng nhọc, vì thế tôi được gia đình anh Long tạo điều kiện làm việc thời vụ. Công việc của tôi hàng ngày là chăm sóc, thu hoạch các loại rau. Mỗi tiếng tôi được trả 20-25 nghìn đồng, nhờ đó cũng có "đồng ra đồng vào".

Ông Ngô Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Yên, đánh giá: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình anh Nguyễn Văn Long ở xóm Mây đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề để xã tuyên truyền, vận động bà con nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập...



Cây phong linh Giống hoa vàng