Nông nghiệp Thái Nguyên khẳng định vai trò "trụ đỡ"

Lương Hạnh (Thực hiện) 13:16, 03/01/2024

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã vươn lên đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ" của nền kinh tế. Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Sỹ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).

P.V: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên trong năm 2023?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Năm 2023, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, Sở Nông nghiệp - PTNT đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 9/9 chỉ tiêu cơ bản được giao.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh) đạt trên 15.893 tỷ đồng, tăng 4,04%, bằng 100,6% kế hoạch; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt (giá hiện hành) đạt 128,7 triệu đồng/ha, vượt 3% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 451,5 nghìn tấn, vượt 3,5% kế hoạch; trồng mới và trồng lại chè cả năm đạt trên 425ha, vượt 2,5% kế hoạch; sản lượng chè búp tươi đạt hơn 267 nghìn tấn, vượt 2,1% kế hoạch; sản lượng rau các loại đạt 294,8 nghìn tấn, vượt 6,4% kế hoạch.

Trong năm, toàn tỉnh trồng rừng tập trung được hơn 4.323ha, vượt 25,8% kế hoạch; ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%, bằng 100% kế hoạch.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 221,8 nghìn tấn, bằng 100,8% kế hoạch; khai thác hơn 6.070ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 18,5 nghìn tấn thủy sản các loại, vượt 2,7% kế hoạch.

Bên cạnh đó, người dân các địa phương đã chuyển đổi được 1.100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Trong năm, toàn Ngành đã triển khai 26 dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện nay, các đơn vị chuyên môn đang hướng dẫn, quản lý, giám sát 44 mã vùng trồng (30 mã vùng trồng chè, 10 mã vùng trồng lúa, 2 mã vùng trồng cây ăn quả, 1 mã vùng trồng măng tre Lục Trúc và 1 mã vùng trồng rau).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 4 xã, bằng 133,3% kế hoạch); 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt 2 xã, bằng 150% kế hoạch); 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Định Hóa và Đại Từ), vượt 1 huyện so với kế hoạch. Trong năm, toàn tỉnh có thêm 60 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Mô hình trồng na rải vụ ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho thu lãi trên 266 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng na rải vụ ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho thu lãi trên 260 triệu đồng/ha.

P.V: Thưa đồng chí, năm 2023, ngành Nông nghiệp đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 gặp không ít khó khăn, như: Một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát; giá các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y tăng cao.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc liên kết tổ chức sản xuất chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển, mở rộng các vùng sản xuất, chế biến sâu nông sản; sản xuất an toàn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ đã được quan tâm, song diện tích, quy mô được chứng nhận còn hạn chế, nhất là chứng nhận sản phẩm hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Năm 2023, người dân trong tỉnh đã chuyển đổi được 1.100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng nho Hạ đen ở xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên).
Năm 2023, người dân trong tỉnh đã chuyển đổi được 1.100ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng nho Hạ đen ở xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên).

P.V: Để khắc phục những tồn tại trên, giải pháp trọng tâm ngành Nông nghiệp đề ra trong năm 2024 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp - PTNT sẽ tích cực, chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, đề án, như: Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đề án Xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững...

Cùng với đó, Ngành tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, Ngành tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.

Về nhóm giải pháp cụ thể, lĩnh vực trồng trọt tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm trà chất lượng cao.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích bà con sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất; sản xuất rau, hoa theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển cây ăn quả, tập trung vào những loại cây có thế mạnh, đặc sản, chủ lực của tỉnh (na, nhãn, bưởi...).

Lĩnh vực chăn nuôi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô công nghiệp ở các vùng xa khu dân cư theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; tiếp tục hình thành, duy trì, phát triển liên kết chuỗi sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!