Ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ), nhiều người bày tỏ sự khâm phục đối với ông Phạm Văn Long, một tỷ phú trồng rừng, từng được UBND tỉnh khen thưởng là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi". Từ vài héc-ta rừng ban đầu, đến nay gia đình ông Long đã sở hữu hơn 60ha rừng keo, bạch đàn. Đặc biệt, để chăm sóc “cánh rừng mẫu lớn”, ông đã mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để đầu tư thiết bị bay không người lái.
Ông Phạm Văn Long chuẩn bị phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái cho diện tích rừng bị sâu bệnh gây hại. |
Nhà ông Long nằm ở cuối khu hồ chứa nước Văn Hán. Đứng trên sân nhà, phóng tầm mắt ra xa, thấy bốn bề là rừng keo, bạch đàn. Ông Long bảo: Gia đình tôi đã trồng rừng từ gần 30 năm trước. Thời điểm đó, gia đình được các dự án của Nhà nước hỗ trợ giống cây để trồng 2ha rừng. Thấy cây keo trồng trên đất Văn Hán phát triển tốt, trong khi diện tích rừng tự nhiên dần bị thu hẹp, nguyên liệu gỗ khan hiếm, nên tôi xác định đây là hướng làm giàu của mình.
Từ đó, ông Long kiên trì bám đất, bám rừng, thuê máy xúc mở đường ô tô vào đến tận chân rừng để thuận tiện cho việc trồng chăm sóc cây và khai thác gỗ. Những nơi sườn núi có độ dốc lớn, đất nhiều đá, ông rrồng cây mỡ; khu vực gần khe nước, thung lũng thì trồng keo…
Năm 1995, gia đình ông Long được nhận thêm 10ha rừng và tiếp tục mở rộng diện tích trồng keo, mỡ. Sau 5-7 năm, cây cho khai thác gỗ. Khi bán cây được tiền, ông lại mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng rừng. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu hơn 60ha rừng.
Nhờ có diện tích rừng lớn và áp dụng phương pháp trồng gối nhau nên năm nào gia đình ông Long cũng được thu hoạch khoảng 10ha, thu lãi trên 1 tỷ đồng. Mô hình của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế rừng, ông Long còn năng động chuyển đổi cơ cấu giống để nâng cao giá trị từ rừng. Như năm 2021, giá bán gỗ keo xuống thấp, sau khi tham khảo nhiều nơi, ông đã quyết định chuyển dần sang trồng bạch đàn. Đến nay gia đình ông đã có 40ha bạch đàn, trong đó khoảng 10ha sẽ được khai thác trong năm nay.
Theo ông Long, trồng bạch đàn có nhiều ưu điểm như: Thời gian thu hoạch ngắn (từ 4 đến 4 năm rưỡi), chỉ phải trồng một lần, sau khi thu hoạch cây lại mọc lên ở gốc cũ, vì vậy có tác dụng chống xói mòn đất; cây khỏe, vươn thẳng, khi phát triển không sợ gãy đổ. Mấy năm gần đây, giá bán gỗ bạch đàn cũng tương đối cao, đạt 1,1-1,2 triệu đồng/m3.
Một điểm đặc biệt là để chăm sóc rừng thuận tiện, giữa năm 2023, ông Long đã bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua thiết bị bay không người lái. Trước đây, khi chưa có thiết bị này, để phòng trừ sâu bệnh cho rừng cây, ông sử dụng phương pháp phun xịt truyền thống nên mất rất nhiều thời gian và công sức di chuyển.
Còn với thiết bị bay không người lái, chỉ cần đứng ngoài và sử dụng điện thoại thông minh là có thể điều khiển thiết bị bay tự động phun thuốc trừ sâu cho rừng cây. Ông Long cho biết: Trung bình khoảng 30 phút là tôi sẽ phun được 1ha, mỗi ngày máy phun được khoảng 13ha. Cũng nhờ có thiết bị này, cách đây gần 1 tháng, khi phát hiện rừng bạch đàn bị bệnh nấm, rỉ sắt, khiến cây có nguy cơ chết héo, tôi đã phun trừ kịp thời nên bệnh không bị lan rộng ra các khoảnh rừng khác.
Ngoài việc phun thuốc trừ sâu, ông Long còn sử dụng thiết bị bay để bón phân, chở cây giống và chở thuê cho các hộ có nhu cầu. Ông bảo, rừng với tôi không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm đam mê, gắn bó máu thịt. Thời đại 4.0 rồi, những người nông dân như chúng tôi cũng cần học cách ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin