Một năm trở lại đây, các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản được điều chỉnh giảm giá nhiều lần. Đây là một trong những tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ổn định và phát triển.
Gia đình anh Phạm Văn Cảnh (ở xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) dự kiến tăng quy mô đàn gà thêm khoảng 1.000 con. |
Sau một thời gian dài giá cám ở mức cao thì từ tháng 3-2023 đến nay, các công ty sản xuất đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá bán tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi dành cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thì mỗi bao cám loại bình thường có khối lượng 25kg dành cho lợn hiện có giá 270 nghìn đồng, cho gà có giá 250 nghìn đồng/bao, so với thời điểm này năm ngoái thì giảm từ 20-50 nghìn đồng/bao (tùy thuộc vào nơi cung cấp).
Giá cám giảm, người chăn nuôi cũng như các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng này rất phấn khởi. Bởi khi người dân đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm thì lượng thức ăn chăn nuôi bán ra tăng mạnh.
Trang trại gà của anh Phạm Văn Cảnh (xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) hiện chăn nuôi 5.000 con gà mía Sơn Tây. Để chăn nuôi 1.000 con từ khi còn nhỏ đến khi xuất chuồng trong khoảng 3 tháng, anh phải cho gà ăn hết 230-250 bao cám loại 25kg. Anh Cảnh cho hay: Tôi mua cám trực tiếp tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh, mỗi bao có giá 280 nghìn đồng, so với thời điểm tháng 3-2023 thì giảm được 50 nghìn đồng. Tính ra, sau khi xuất bán 5.000 con gà hiện tại tôi sẽ tiết kiệm được trên 60 triệu đồng tiền cám.
Anh Tô Văn Học, ở xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho biết: Gia đình tôi đang có 50 con lợn thịt, lượng cám để nuôi toàn bộ số lợn này đến khi xuất chuồng khoảng 400 bao loại 25kg. Do chăn nuôi với số lượng ít nên tôi lấy cám của một số đại lý trong xã. So thời điểm này năm ngoái, hiện mỗi bao cám đã giảm 20 nghìn đồng. Tôi hy vọng giá cám sẽ tiếp tục được điểu chỉnh giảm trong thời gian tới để người nông dân yên tâm sản xuất.
Không chỉ người nông dân phấn khởi mà các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi cũng vui khi lượng hàng bán ra tăng hơn trước. Bởi nhiều hộ đã quay trở lại chăn nuôi sau một thời gian “treo chuồng” do giá thức ăn tăng cao, chăn nuôi thua lỗ. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), cho biết: Cửa hàng của tôi hiện cung ứng cám cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thịnh Đức, Tân Cương và Phúc Trìu. Một năm trở lại đây, giá bán được điều chỉnh giảm nhiều đợt nên tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc. Hiện, trung bình mỗi tháng cửa hàng cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn thức ăn chăn nuôi các loại, tăng khoảng 20% so với cách đây một năm.
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, từ đầu năm 2023 đến nay, do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nên các nhà máy, công ty sản xuất cũng điều chỉnh giảm giá bán các sản phẩm. Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, cho biết: Thức ăn là khoản chi phí chiếm đa số trong chăn nuôi với 65-70% giá thành sản xuất. Việc giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm liên tục cộng với giá bán các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng gia cầm duy trì ở mức ổn định là tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu chăn nuôi 95 nghìn con trâu, bò; 610 nghìn con lợn, 16 triệu con gia cầm và sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 222.850 tấn (tăng 1.050 tấn so với năm 2023). Khai thác 6.100ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản và sản lượng ước đạt 19.000 tấn các loại (tăng 500 tấn so với năm 2023). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin