“Hạt vàng” hợp đất sinh sôi 

Hải Đăng 10:42, 22/04/2024

Những bắp ngô vàng óng ả, từng hạt căng tròn xếp khin khít nhau bắt mắt thường được người dân vùng cao mang trưng bày ở các hội chợ hay lễ hội. Hạt ngô vàng hợp khí hậu, thổ nhưỡng Võ Nhai nên sinh sôi, phát triển cho những mùa vụ bội thu, trở thành một trong những cây "xóa nghèo” của đồng bào các dân tộc nơi đây...

Bà Đường Thị Quyên (ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) chăm sóc ngô.
Bà Đường Thị Quyên (ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) chăm sóc ngô.

Trên cánh đồng Là Dương, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), màu xanh của ngô và lúa đang vào kỳ làm đòng như trải thảm. Người nông dân tất bật với việc chăm sóc, rẫy cỏ, bón phân cho cây trồng. Thấy chúng tôi, bà Đường Thị Quyên ngừng tay cuốc, xởi lởi trò chuyện: Để phục vụ chăn nuôi, vụ nào gia đình tôi ngoài cây lúa cũng trồng 1 sào ngô. Vụ trước ngô bán được giá (9.000 đồng/kg) nên năm nay tôi trồng tăng lên 2 sào bằng giống lai đột biến 501S. Ngô giờ đã cao hơn đầu người, xanh tốt mơn mởn nên tôi thấy rất vui.

Giống như bà Quyên, nhiều nông dân ở Võ Nhai đã đưa các giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao vào trồng, như HN88, NK4300, LVN61, LVN99... Anh Hoàng Văn Sỹ, người dân tộc Mông ở xóm Nước Hai, xã Cúc Đường, chia sẻ: Gia đình tôi có gần 10 miệng ăn, ruộng nương cấy lúa thì ít, nhờ có cây ngô mà anh, chị em chúng tôi mới được no cái bụng. Trước kia, mèn mén là món ăn chính, là “cơm vàng” của người Mông. Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá hơn, nhưng mèn mén vẫn giữ vai trò chủ đạo trong bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, nhiều hộ trồng ngô để phát triển chăn nuôi, hoặc đổi thóc gạo về ăn. Có hộ trồng ngô bán còn tích lũy được tiền làm nhà, mua xe máy...

Võ Nhai là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều xóm, bản 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đồng bào sống chủ yếu ở những vùng núi cao, đất canh tác ít, nên phải tận dụng những triền núi thấp để làm nương, tận dụng từng hốc đá để thả vào đó những hạt ngô vàng.

Từ nhiều năm nay, cây ngô gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây, là sản phẩm nông nghiệp quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Có những năm cao điểm (giai đoạn 2010-2015), diện tích ngô ở Võ Nhai lên tới hơn 6.500ha. Võ Nhai trở thành địa phương có diện tích trồng ngô cao nhất tỉnh.

Hiện nay, để thích ứng với thị trường và nhu cầu người tiêu dùng, người nông dân Võ Nhai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào gieo trồng những loại cây mới cho giá trị kinh tế cao hơn nên diện tích ngô có phần giảm xuống, nhưng vẫn được coi là một trong những cây nông nghiệp chủ đạo.

Chị Hoàng Thị Pai, xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung, cho biết: Gia đình tôi không có đất ruộng, nên tôi tra hạt ngô ở nương, bãi. Vụ này, tôi tra 7kg ngô lai. Đồng bào Mông ở đây trước chỉ trồng giống ngô đỏ nhưng giờ thì 100% số hộ trong xóm đều trồng ngô lai. Ngô lai dễ trồng, cho năng suất cao, như vậy chúng tôi mới có dư để đổi lấy gạo ăn.

Nhận thức được việc trồng cây ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên không chỉ ở Thượng Nung, mà các vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các xã Dân Tiến, Phương Giao, Thần Sa, Cúc Đường… bà con đã thay thế hoàn toàn giống ngô truyền thống bằng ngô lai cho năng suất cao. Nếu như khoảng 10 năm về trước, năng suất ngô chỉ đạt 20 tạ/ha thì nay đã đạt từ 45-50tạ/ha, giá bán đạt 8.000-9.000đồng/kg. Hiện nay, toàn huyện gieo trồng hơn 4.600ha ngô, sản lượng đạt trên 25.000 tấn.

Ông Nông Minh Tuấn: Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai, cho biết: Từ năm 2006, cây ngô lai đã được trồng đại trà trên đồng đất, nương, bãi của huyện. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích người dân trồng ngô nếp, ngô ngọt... cho giá trị kinh tế cao. Đồng hành với người nông dân, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã phối hợp với những đơn vị cung ứng giống triển khai nhiều mô hình trình diễn những giống ngô mới, tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách của Nhà nước như hỗ trợ giống ngô, vật tư luôn được triển khai đầy đủ và hiệu quả.


Từ khóa:

hạt vàng

sinh sôi

ngô Võ Nhai