Được quảng cáo trên mạng Facebook là giống lúa “siêu” năng suất, “siêu”chất lượng nhưng khi mua về gieo cấy, đến ngày thu hoạch, có hộ phải cắt lúa cho bò ăn. Đó là trường hợp của chị Trương Thị Vinh, xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên).
Theo quảng cáo trên Facebook, giống lúa nhập khẩu VST899 có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày, nhưng đến nay đã hơn 100 ngày mà vẫn chưa có đòng. |
Những ngày này, nhiều người dân ở xã Phúc Thuận nói nhiều về việc gia đình chị Trương Thị Vinh phải cắt lúa xanh cho bò ăn khi mua giống lúa trên mạng xã hội về gieo cấy. Chúng tôi được biết, gia đình chị Vinh có 7 sào ruộng. Vụ xuân năm nay, gia đình chị cấy 6 sào giống HDT10 (đây là giống lúa thơm, chất lượng cao do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Việt Nam chọn tạo, khảo nghiệm sản xuất từ năm 2012 tại các tỉnh phía Bắc) và 1 sào cấy giống VST899 được đặt mua trên Facebook.
Chi Vinh cho hay: Trước khi sản xuất vụ xuân, tôi vào mạng Facebook và thấy một fanpage quảng cáo về giống lúa nhập khẩu VST899, có các ưu điểm như: tỷ lệ nảy mầm 98%, chống chọi thời tiết khắc nghiệt 3 miền; năng suất lên tới 3,5 tạ/sào; thân lúa cao chắc khỏe, bông to; chịu mặn; mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, hạt gạo mẩy tròn; thời gian thu hoạch từ 85-90 ngày nên tôi đã đặt mua ngay 1kg với giá 70 nghìn đồng về gieo cấy.
Thế nhưng, mặc dù gieo cấy đúng khung thời vụ, chăm sóc như giống HDT10 nhưng đến nay, sau hơn 100 ngày, giống VST899 vẫn chưa có đòng, trong khi đó, các loại giống lúa khác đã ngả vàng và sẽ cho thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Chị Vinh cho biết: Gia đình tôi định phá bỏ để làm phân cho vụ tiếp theo, nhưng may mắn có một hộ dân trong xóm hỏi mua lại với giá 400 nghìn đồng để làm thức ăn cho bò.
Để người dân gieo cấy đúng khung thời vụ, cũng như tránh việc mua phải giống giả, giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, trước mỗi vụ sản xuất, ngành chức năng và các địa phương đều tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con nông dân. Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), cho biết: Trước và trong quá trình sản xuất vụ xuân, vụ mùa, chúng tôi đều đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nông dân trong xã về khung thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, công tác bảo vệ thực vật… Đặc biệt, về cơ cấu giống, chúng tôi chủ yếu khuyến khích bà con đưa các loại giống đã cho năng suất và chất lượng cao từ những vụ trước vào gieo trồng cũng như các giống mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến khích.
Thực tế không thể phủ nhận về sự phát triển của các mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích cho xã hội, trong đó có bà con nông dân. Thông qua mạng xã hội, người dân có thể biết đến những mô hình sản xuất hay, những kinh nghiệm quý trong trồng trọt, chăn nuôi… và có thể áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là công cụ mà nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo, bán vật tư nông nghiệp, giống cây trồng kém chất lượng. Hậu quả là “tiền mất, tật mang”.
Qua sự việc trên, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân cân nhắc khi mua các loại cây, con giống qua mạng, chỉ nên mua các loại giống ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã được cấp phép hoạt động, có uy tín; thận trọng với các sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội khi thông tin về nhà cung cấp, chất lượng giống còn mập mờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin