Ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi lợn thịt và chứng nhận VietGAP

Tùng Lâm 11:02, 21/08/2024

Đây là nội dung của mô hình khuyến nông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND xã Mỹ Yên (Đại Từ) triển khai từ tháng 3 đến nay.

Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP và an toàn sinh học đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP và an toàn sinh học đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Với sự tham gia của 3 hộ dân, quy mô 137 con lợn, mô hình đã cho kết quả rất khả quan khi đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, tăng khối lượng bình quân 780 g/con/ngày, tiêu tốn thức ăn 2,35 kg/ngày. So sánh với yêu cầu của mô hình, lợn đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn khi tỷ lệ nuôi sống đạt cao, lợn tăng trưởng nhanh và giảm tiêu tốn thức ăn. Đáng nói, lợi nhuận khi nuôi 137 con lợn thịt từ mô hình sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 19% so với ngoài mô hình.

Trước khi thực hiện mô hình, các hộ tham gia đã được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ 70% vật tư (thức ăn, vắc-xin, thuốc thú ý, thuốc tẩy ký sinh trùng, chế phẩm sinh học). Nhờ đó, bà con đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Từ việc triển khai mô hình cho thấy, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi lợn thịt không chỉ nâng cao trình độ cho người chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh mà còn giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.