Phân bón lá - Bạn của nhà nông

Tùng Lâm 09:08, 04/09/2024

Mỗi năm, toàn tỉnh Thái Nguyên gieo trồng trên 57.900ha cây trồng, trong đó có trên 39.400ha cây lương thực, 11.660ha rau màu các loại, còn lại là các cây trồng khác. Để nâng cao năng suất các loại cây trồng, phân bón đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, phân bón lá đang trở thành “người bạn” đồng hành của bà con nông dân. Đây được xem là một giải pháp bảo đảm an toàn dinh dưỡng cho cây trồng.

Người dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) pha loãng dung dịch phân bón lá theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để phun tưới cho cây trồng.
Người dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) pha loãng dung dịch phân bón lá theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để phun tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Diện tích lá bằng 15 đến 20 lần diện tích đất mà rễ cây ăn tới nên dinh dưỡng mà cây trồng nhận được qua lá bảo đảm nhanh, triệt để hơn. Tốc độ thu hút, vận chuyển chất dinh dưỡng qua lá cũng nhanh hơn gấp 30 lần so với thu hút từ rễ lên. Việc sử dụng phân bón lá giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp cây mau chóng phục hồi, cho hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn so với bón phân vào đất.

Không chỉ giúp duy trì sự phát triển, khỏe mạnh của cây trồng, phân bón lá còn góp phần gia tăng chất lượng nông sản vì có thể áp dụng đúng lúc, đúng nơi, hoàn toàn độc lập với điều kiện về đất đai. Những ưu điểm này chính là lý do để nhiều hộ nông dân trong tỉnh sử dụng phân bón lá.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, ở tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng cấy lúa. Trước đây, tôi thường dùng phân hóa học bón cho lúa. Thông qua tìm hiểu, nhận thấy phân bón lá có nhiều ưu điểm hơn nên 2 năm nay gia đình tôi đã sử dụng loại phân này bón cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình (dùng khi ngâm hạt giống và lúc cây lúa uốn câu). Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng nhận thấy diện tích lúa của gia đình phát triển tốt hơn trước, khi thu hoạch năng suất cao hơn từ 20 đến 30%. Đặc biệt, trước đây, 1 sào lúa tôi sử dụng khoảng 3,5 đến 3,7kg phân bón rễ/vụ. Từ khi sử dụng phân bón lá, tôi tiết kiệm được 40% lượng phân bón và khoảng 30% chi phí đầu vào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sử dụng phân bón lá được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cây trồng, khắc phục tình trạng thiếu chất dinh dưỡng do biến đổi điều kiện sinh thái môi trường (hạn hán, bề mặt đất bị khô) cũng như để thỏa mãn nhu cầu sinh lý dinh dưỡng cao trong những giai đoạn sinh trưởng, phát triển đặc biệt của cây trồng, hoặc những loại cây trồng mới cần có trình độ thâm canh cao, những kiểu canh tác mới tiến bộ.

Hơn nữa, cách sử dụng phân bón lá cũng khá đơn giản, bà con nông dân chỉ cần pha loãng, cho dung dịch phân bón lá vào bình rồi tiến hành phun cho cây. Ông Nguyễn Tá cho biết thêm: Tại Thái Nguyên, việc sử dụng phân bón lá đang được khuyến khích để giảm áp lực phân hóa học lên đất. Mặc dù vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, bà con nông dân cần sử dụng phân bón lá đúng quy trình, kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất…

Nhằm giảm công lao động cho nông dân, nâng cao hơn năng suất, chất lượng nông sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai một số mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ trên cây lúa, chè; đồng thời sử dụng máy bay không người lái để phun phân bón lá cho lúa, chè.

Đơn cử như mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ cho lúa nếp thầu dầu cấy trong vụ mùa năm 2024 tại xóm Múc và xóm Tân Lập, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (với diện tích 7ha, có 48 hộ dân tham gia); hay như mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ cho chè được thực hiện tại các hợp tác xã chè: Kim Thoa, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên); Nguyên Việt, xã Minh Lập (Đồng Hỷ); Hải Yến, xã Phú Thịnh (Đại Từ). Theo đó, mỗi hợp tác xã thực hiện trên quy mô 1ha...

Từ thực tế triển khai cho thấy, phương pháp tiên tiến này giúp rải phân nhanh chóng, chính xác, hiệu quả; không chỉ tăng năng suất cây trồng mà còn bảo vệ môi trường xung quanh. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngành Nông nghiệp và PTNT chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, hiện đại đến với bà con nông dân theo cách “cầm tay, chỉ việc”.



Thành phần Phân bón vi sinh