Hỗ trợ nông dân tiếp cận, sử dụng phân bón hữu cơ

Lưu Phượng 07:47, 01/04/2024

Để hướng đến nền nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn, bền vững”, việc sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm trừ sâu sinh học là một trong những yếu tố then chốt. Những năm gần đây, các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên tiếp cận và sử dụng phân bón hữu cơ, dần thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Gần 1 năm nay, gia đình anh Mai Ngọc Tân (ở xóm Bán Luông, xã Phú Cường, Đại Từ) thường xuyên dùng phân hữu cơ phun cho cây chè.
Gần 1 năm nay, gia đình anh Mai Ngọc Tân (ở xóm Bán Luông, xã Phú Cường, Đại Từ) thường xuyên dùng phân hữu cơ phun cho cây chè.

Với 6.000m2 chè, trước đây gia đình anh Mai Ngọc Tân (ở xóm Bán Luông, xã Phú Cường, Đại Từ) chủ yếu bón phân hóa học NPK. Tháng 7-2023, sau khi tham gia lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi do Hội Nông dân huyện và Công ty TNHH Lucavi tổ chức, anh mạnh dạn đăng ký áp dụng thử nghiệm.

Theo đó, Công ty hỗ trợ anh 4 lít phân bón hữu cơ. Mỗi lít anh hòa ra được 20 bình (khoảng 18-20 lít nước) để phun trực tiếp lên lá chè. Sau 3 tháng áp dụng, anh Tân nhận thấy cây chè có sự thay đổi rõ rệt. Lá xanh và dày, cuống chè ngắn, búp đều, cây khỏe và ít sâu bệnh hơn; giảm được 50% phân bón gốc, trong khi năng suất chè lại tăng từ 5-7% và chất lượng chè thơm ngon hơn. Nhận thấy hiệu quả nên anh thường xuyên sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi và giới thiệu cho 10 hộ trong Tổ hợp tác chè xóm Bán Luông cùng sử dụng.

Cũng nhằm giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, nhiều nông dân ở huyện Đồng Hỷ đã tự sản xuất chế phẩm gốc để làm phân bón và thuốc trừ sâu sinh học nhờ tham gia lớp tập huấn về công nghệ vi sinh trong trồng trọt. 

Chị Vi Thị Phương, xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), chia sẻ: Nguyên liệu để làm ra các chế phẩm sinh học rất dễ kiếm như sữa chua, đường, cám gạo, men rượu và các phế phẩm như vỏ trứng gà, thức ăn thừa, xương động vật, rau củ quả... Nhờ áp dụng triệt để những gì được học, hơn 1 năm nay tôi không mất tiền mua phân bón và thuốc trừ sâu nữa. Tính ra, mỗi năm tôi tiết kiệm được trên 30 triệu đồng chi phí đầu cho hơn 1 mẫu chè.

Ông Lê Đàm Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều giải pháp như: Tích cực tuyên truyền để người dân từng bước hình thành lối sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm, quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; cung ứng phân bón hữu cơ cho nông dân theo hình thức trả chậm cũng như tư vấn giúp bà con tiếp cận nguồn phân bón hữu cơ chất lượng.

Nông dân xã Minh Lập (Đồng Hỷ) tự sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.
Nông dân xã Minh Lập (Đồng Hỷ) tự sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Từ năm 2023 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức 1.220 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 62.000 lượt hội viên, nông dân tham gia. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức tổ chức tập huấn kỹ thuật triển khai 2 ô mẫu sử dụng phân bón lá PGP cho cây chè diện tích 1.000m2 tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); phối hợp với Công ty CP Sản xuất thương mại - Xuất nhập khẩu Boss Farm cung cấp, hỗ trợ phân bón gốc hữu cơ cho cây chè dtrên iện tích 1.000m2 tại xã Sơn Phú (Định Hóa); triển khai 58 ô mẫu trình diễn bón phân hữu cơ trên cây chè... 

Cũng theo ông Ngọc, qua việc thực hiện thí điểm và kết quả khảo nghiệm tại các ô mẫu, hội viên nông dân đều đánh giá việc sử dụng phân bón hữu cơ đem lại hiệu quả rõ rệt. Đáng chú ý là cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng, cải thiện chế độ mùn, hệ vi sinh vật đất; giảm chi phí sản xuất; góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm.

Nhờ đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã được nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 91.000 hộ sản xuất chè với tổng diện tích 22,2 nghìn héc ta, trong đó có khoảng 30% hội viên nông dân được hướng dẫn, sử dụng phân bón hữu cơ. Thái Nguyên đã có trên 4.300ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 76ha chè được cấp chứng nhận UTZ Certified; 76ha diện tích chè hữu cơ.

Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tăng cường tập huấn, cung ứng phân bón trả chậm, nhân rộng các mô hình ô mẫu để ngày càng nhiều hội viên nông dân được tiếp cận, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ chất lượng và có thể tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại gia đình.