Với đàn vật nuôi hiện có (gồm trên 95 nghìn con trâu, bò, 600 nghìn con lợn và 16 triệu con gia cầm), chăn nuôi đang mang lại nguồn thu khá lớn cho người dân trong tỉnh. Để người chăn nuôi có thu nhập ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là vào thời điểm bà con đang tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi để phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hiện nay.
Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt được chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Nga My (Phú Bình) luôn chủ động phòng bệnh cho đàn bò. |
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ dịch bệnh nhỏ lẻ trên đàn trâu, bò, lợn. Ngay khi phát sinh ổ dịch, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng và ảnh hưởng đến chăn nuôi. Mặc dù vậy, bà con vẫn cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tuy không phát sinh các ổ dịch lớn nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận một số ổ dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, ổ dịch có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy đợt cuối cùng vào ngày 31/12/2023 tại phường Lương Sơn (TP. Sông Công) và công bố hết dịch ngày 23/1/2024. Tiếp đó, từ ngày 13/5/2024 đến 5/6/2024, dịch bệnh này lại xuất hiện tại 31 hộ thuộc 9 xóm của 2 xã Dân Tiến, Tràng Xá (Võ Nhai), với 131 con lợn (tổng khối lượng trên 3.210kg) phải tiêu hủy. Đến ngày 28/6/2024, UBND huyện Võ Nhai đã có quyết định công bố hết dịch trên địa bàn.
Ngoài ra, trong tháng 2-2024, có 1 trường hợp người dân ở xã Dân Tiến (Võ Nhai) tử vong nghi mắc bệnh dại do bị mèo cắn từ tháng 10-2023 nhưng không đi tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng dại. |
Liên quan đến dịch bệnh trên đàn vật nuôi, một số huyện trong tỉnh (như Đồng Hỷ, Võ Nhai) có hiện tượng trâu, bò, lợn bị ốm, đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 9 vừa qua cũng gây thiệt hại khá lớn cho người dân với trên 384 nghìn con gia cầm, 749 con lợn, 5 con trâu và 54 con dê bị chết. Từ đó đã gây ô nhiễm môi trường do bùn, rác, xác động vật bị ngập nước trong thời gian dài, dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều loại dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và đàn vật nuôi.
Người dân trong tỉnh chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng bệnh cho đàn vật nuôi. |
Từ thực tế nêu trên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là, mà cần phòng bệnh từ sớm, từ xa cho đàn vật nuôi.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng chống, không để các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát trở lại trên địa bàn. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương luôn được chú trọng.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi, định kỳ tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm mới theo đúng quy định.
Ông Lê Đắc Vinh: Hiện nay, các địa phương đã triển khai xong việc tiêm phòng vắc-xin đợt 1 cho đàn vật nuôi. Từ nay đến cuối năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, hộ chăn nuôi tiến hành tiêm phòng vắc-xin đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tại các ổ dịch, vùng có nguy cơ, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp chống dịch, như: Giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát, chẩn đoán, xác minh dịch bệnh; tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh chết, cách ly, điều trị gia súc bị ốm, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc...
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, các trang trại, hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi cũng đã có tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh. Đơn cử như HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đến nay đã chủ động tiêm phòng vắc-xin các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho 50 con bò thương phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên từ khi được thành lập (năm 2019) đến nay, HTX luôn chủ động trong công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin