Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi lúc giao mùa

Khánh Thiện 07:40, 01/02/2023

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra những đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp tới 7-8 độ C, khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi bị suy giảm. Theo dự báo, trong đầu tháng 2, cùng với rét đậm sẽ xuất hiện nồm ẩm kèm mưa phùn, là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm (như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...) dễ phát sinh và lây lan. Vì vậy, ngành chức năng và bà con nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Sau Tết Nguyên đán, gia đình chị Đoàn Thị Nguyệt, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) có khoảng hơn 1.000 con gà thịt bắt đầu đến giai đoạn xuất chuồng. Chị Nguyệt chia sẻ: Thời tiết rét đậm sẽ khiến đàn gà rất dễ mắc bệnh cúm. Vì thế, tôi đã tiến hành che chắn chuồng trại để giữ ấm, hạn chế gió lùa vào chuồng gà và thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực và dụng cụ chăn nuôi 2 lần/tuần. Cùng với tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi, gia đình cũng hạn chế cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để đàn gà tăng sức đề kháng.

Không riêng gia đình chị Nguyệt, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Theo đó, việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và tăng cường công tác khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại là biện pháp được nhiều hộ áp dụng. Ngoài ra, bà con cũng hạn chế chăn thả gia súc trong thời tiết giá rét; trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để dự trữ, ủ chua làm thức ăn, bổ sung khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi với mục tiêu không để gia súc, gia cầm bị đói, rét, dịch bệnh.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, dịp đầu năm, nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi… là rất cao. Bởi hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật dịp lễ hội tăng mạnh. Ngoài ra, tổng đàn vật nuôi của tỉnh khá lớn với khoảng 90.000 con trâu, bò; đàn lợn 610.000 con và đàn gia cầm 15,8 triệu con. Trong đó, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60% nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật đến tận các xóm, hộ chăn nuôi. Tại khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, Chi cục sẽ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, không để lây lan diện rộng.

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Thủy sản: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường và các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại chuồng trại và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn các véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài truyền bệnh như muỗi, ve, bọ chét, ruồi…

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng được khuyến cáo cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, như: tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; tuyệt đối không bán chạy vật nuôi mắc bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường...

"Việc làm tốt tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngay từ những tháng đầu năm 2023 sẽ góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng." - Ông Lê Đắc Vinh cho biết thêm.