Quyết liệt di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội thị

Chung An 09:44, 02/01/2025

Việc chăn nuôi ở khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020, trong đó quy định khu vực nội thành không được phép chăn nuôi. TP. Thái Nguyên là 1 trong 5 địa phương của tỉnh thực hiện nội dung này và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Gia đình ông Trần Văn Đức, ở tổ 11, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) đã giảm quy mô chăn nuôi. Dự kiến sau Tết Nguyên đán năm nay, gia đình sẽ không chăn nuôi nữa.
Gia đình ông Trần Văn Đức, ở tổ 11, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) đã giảm quy mô chăn nuôi. Dự kiến sau Tết Nguyên đán năm nay, gia đình sẽ không chăn nuôi nữa.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, bao gồm: Các phường, thị trấn, khu dân cư thuộc thành phố, thị xã, các huyện trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm từ 85% trở lên và tổng diện tích nhóm đất phi nông nghiệp từ 80% trở lên so với tổng diện tích đất tự nhiên. Thời hạn các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp tối đa là 5 năm.

Căn cứ vào các quy định trên, TP. Thái Nguyên có 5 phường trung tâm thuộc diện phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội thị, gồm: Quang Trung, Đồng Quang, Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng. Ngay sau khi Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP. Thái Nguyên đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND 5 phường thống kê, lập danh sách chi tiết các cơ sở chăn nuôi, quy mô chăn nuôi thuộc diện phải ngừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền tới người dân để triển khai thực hiện.

Theo đó, tại thời điểm rà soát, trên địa bàn 5 phường của thành phố có 247 hộ chăn nuôi, với gần 2.800 vật nuôi (gồm: Trâu bò, lợn và gia cầm). Trên cơ sở này, cùng với hoạt động tuyên truyền về chủ trương di dời vật nuôi, các địa phương đã thực hiện cho người dân ký cam kết, xây dựng kế hoạch, phương án ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời gian theo quy định.       

Anh Đặng Khánh Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Quang: Phường Đồng Quang đã thực hiện cho 110 hộ chăn nuôi trên địa bàn ký cam kết không xây mới chuồng trại, không tăng quy mô đàn; ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Sau khi được tuyên truyền, người dân cơ bản đồng thuận ngừng hoặc giảm quy mô đàn. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động để bà con ngừng hoạt động chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống. 

Ông Trần Văn Đức, ở tổ 11, phường Đồng Quang, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi sống phụ thuộc vào chăn nuôi nên quy mô đàn khá lớn. Có thời điểm, gia đình nuôi tới 300 con gà, vịt, 30-40 con lợn thịt, thu lãi từ 150-200 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, khi được tuyên truyền chủ trương của Nhà nước là không được phép chăn nuôi trong khu dân cư, gia đình tôi đã chuyển sang hình thức kinh doanh dịch vụ nhà trọ, kết hợp bán hàng tạp hóa. Hiện nay, tận dụng diện tích đất vườn sau còn rộng, gia đình tôi chỉ nuôi vài con gà để phục vụ cho dịp Tết năm nay. Hết lứa gà này, gia đình cũng sẽ không chăn nuôi nữa.

Gia đình chị Đinh Tuyết Mai, ở tổ 4, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) trước đây nuôi từ 25-30 con lợn thịt mỗi lứa. Sau khi được tuyên truyền, gia đình đã chuyển nghề từ chăn nuôi sang làm dịch vụ giặt là.
Gia đình chị Đinh Tuyết Mai, ở tổ 4, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) trước đây nuôi từ 25-30 con lợn thịt mỗi lứa. Sau khi được tuyên truyền, gia đình đã chuyển nghề từ chăn nuôi sang làm dịch vụ giặt là.

Ngoài phường Đồng Quang, các phường còn lại đã đồng loạt cho người chăn nuôi ký cam kết giảm quy mô đàn hoặc di dời cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Tính đến nay, trên địa bàn 5 phường trung tâm đã giảm đáng kể về quy mô đàn vật nuôi và nhiều cơ sở đã ngừng hoạt động.

Cụ thể, phường Phan Đình Phùng có 13/14 cơ sở ngừng hoạt động chăn nuôi, 1 cơ sở giảm quy mô; phường Hoàng Văn Thụ có 11/18 cơ sở ngừng hoạt động, 7 cơ sở giảm quy mô; phường Trưng Vương có 15/15 cơ sở ngừng hoạt động; phường Quang Trung có 87/90 cơ sở ngừng hoạt động, 3 cơ sở giảm quy mô; phường Đồng Quang có 48/110 cơ sở ngừng hoạt động, 62 cơ sở giảm quy mô.

Theo đại diện phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên, mặc dù đã đạt được kết quả, song trong quá trình triển khai thực hiện, TP. Thái Nguyên vẫn gặp những khó khăn nhất định, như: Với đặc thù khu vực trung tâm, vẫn còn hộ tận dụng diện tích nhỏ hẹp, như: sân thượng, tầng mái, mương thoát nước chung… để chăn nuôi gia cầm, phục vụ sinh hoạt ngắn ngày, gây ảnh hưởng đến môi trường và các hộ xung quanh; một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ hoặc phụ phẩm nông nghiệp gắn với cuộc sống sinh hoạt nên đa phần còn do dự khi được vận động di dời đi nơi khác…

Tuy nhiên, theo lộ trình, đến hết năm 2025, các cơ sở chăn nuôi tại 5 phường trung tâm sẽ phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khu vực được phép chăn nuôi. Do vậy, thời gian tới, UBND TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với các địa phương vận động, tuyên truyền người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, nhằm góp phần đảm bảo môi trường sống trong khu dân cư.