Đưa cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư: Cách làm hiệu quả ở Hùng Sơn

Hải Hằng 07:22, 15/05/2023

Từ bao đời nay, người dân đã quen xây dựng chuồng trại chăn nuôi gần nhà, nằm ngay trong khu dân cư, với mục đích thuận tiện cho việc chăm sóc, phòng ngừa mất trộm vật nuôi... Vì thế, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư không đơn giản. Thế nhưng, với những nỗ lực của huyện Đại Từ, thị trấn Hùng Sơn, nhiều cơ sở chăn nuôi đã lần lượt rời đi.

Cán bộ cấp, ngành liên quan kiểm tra tình hình các hộ chăn nuôi tại tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn.
Cán bộ các cấp, ngành liên quan kiểm tra tình hình các hộ chăn nuôi tại tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn.

Trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn có 1.486 hộ chăn nuôi, trong đó có 5 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, còn lại là chăn nuôi nông hộ, với tổng đàn vật nuôi gần 100 con trâu, trên 20 con bò, trên 500 con lợn và trên 21.000 con gia cầm.

Theo quy định, thị trấn Hùng Sơn có 5 tổ dân phố không được phép chăn nuôi là: Chợ 1, Chợ 2, Đình, Tân Sơn, Sơn Hà. Thời điểm năm 2021, khi địa phương triển khai Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh về việc quy định khu vực thuộc nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, thị trấn Hùng Sơn đã thực hiện rà soát tình hình các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Kết quả, ở các tổ dân phố này có 46 hộ chăn nuôi, với tổng diện tích chuồng trại trên 1.150m2, trên 600 vật nuôi các loại.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết: Các hộ chăn nuôi ở đây đều không thuộc diện được hỗ trợ di dời, vì thế việc thực hiện đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư thêm phần khó khăn. Trước tình hình đó, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị quyết tới từng hộ chăn nuôi; phối hợp với UBND huyện, ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về khu vực nội thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.

Trong năm 2022, địa phương đã tổ chức được 1 lớp tập huấn, 5 cuộc tuyên truyền tại 5 tổ dân phố, với trên 250 người dân trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn tham gia. Đồng thời tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết về việc ngừng chăn nuôi trên địa bàn các tổ dân phố với 46/46 hộ đã ký.

Cùng với đó, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ngừng hoạt động chăn nuôi, hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; thành lập đoàn đi kiểm tra các hộ chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, lập biên bản, nhắc nhở các hộ ngừng chăn nuôi, di dời cơ sở chăn nuôi.

Từ đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tự chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc ngừng chăn nuôi. Gia đình chị Phạm Thị Tuyết ở tổ dân phố Chợ 1 trước đây có mô hình chăn nuôi tổng hợp, gồm 3 con lợn, 30 con gà và 25 con vịt. Sau thời gian được tuyên truyền, vận động, giải thích rõ những tác hại cho môi trường sống của khu dân cư, chị đã ngừng chăn nuôi.

Chị Tuyết cho biết: Bao năm nay, gia đình tôi vẫn duy trì chăn nuôi. Sau khi được tuyên truyền, tôi thấy việc chăn nuôi ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, đến người dân xung quanh, làm mất mỹ quan khu phố, nên không chăn nuôi nữa.

Ngoài gia đình chị Tuyết, nhiều hộ dân địa phương đã bán vật nuôi, dỡ bỏ chuồng trại, ngừng chăn nuôi. Tính đến nay, tại 5 tổ dân phố chỉ còn 16 hộ đang chăn nuôi quy mô nông hộ, trong đó có 3 hộ nuôi lợn, tổng số 9 con, 13 hộ gà, tổng số 44 con và 1 hộ nuôi chim bồ câu với số lượng 20 con. Các hộ này cũng đã ký cam kết sẽ ngừng chăn nuôi, hoặc di dời ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi trong thời gian sớm nhất.