Lắp đặt quan trắc tự động: Nhiều doanh nghiệp “kêu khó”

Hoàng Cường – Ánh Ngọc 15:23, 14/05/2023

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thời hạn cuối cùng để hoàn thành lắp đặt quan trắc chất thải tự động, liên tục là ngày 31/12/2024. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 23/62 doanh nghiệp (DN) nằm trong diện phải hoàn thành theo quy định này. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, các DN đều xác định rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của việc lắp đặt quan trắc tự động (QTTĐ), song việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Công ty CP Xi măng Quán Triều – VVMI là một trong những đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hệ thống QTTĐ.
Công ty CP Xi măng Quán Triều – VVMI là một trong những đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hệ thống QTTĐ.

“Lá chắn” bảo vệ môi trường

Những năm qua, ngành chức năng tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ lắp đặt QTTĐ. Qua đó, nhiều DN đã hoàn thành lắp đặt QTTĐ, nâng cao trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác giám sát môi trường được minh bạch, khách quan và liên tục.

 

Đơn cử như Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico, tại Khu công nghiệp Sông Công 1, TP. Sông Công), với ngành nghề sản xuất các sản phẩm (kẽm kim loại, a-xít Sulphuaric, các nguyên tố cộng sinh, đồng, cadimi xốp, chì...) tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn môi trường, nhưng trong những năm gần đây, công tác BVMT của Nhà máy được chính quyền và người dân đánh giá khá tốt.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy: Một trong những giải pháp là năm 2018, đơn vị đã đầu tư 5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống QTTĐ đấu nối trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhờ đó, đơn vị giám sát được liên tục, công tác phát hiện và xử lý các sự cố môi trường (nếu có) được kịp thời. Hiện nay, Nhà máy đang phát huy hết công suất với 11.000 tấn kẽm và 14.000 tấn axit/năm.  

Ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI: Chúng tôi đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống QTTĐ từ năm 2019. Qua đó giúp ổn định chất lượng sản phẩm, không để phát sinh yếu tố gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI: Chúng tôi đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống QTTĐ từ năm 2019. Qua đó giúp ổn định chất lượng sản phẩm, không để phát sinh yếu tố gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Cùng với việc các DN nỗ lực hoàn thành đầu tư lắp đặt hệ thống QTTĐ, thời gian qua, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) cũng hoàn thiện đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện tiếp nhận dữ liệu quan trắc từ các DN trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hải Bằng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục BVMT, đánh giá: Hiện nay, toàn bộ thông số QTTĐ của các DN đã lắp đặt, vận hành chính thức được truyền tải trực tuyến về Phòng Theo dõi dữ liệu QTTĐ của Trung tâm. Tính năng tự động hóa không chỉ giảm công sức lao động của con người mà còn mang lại kết quả quan trắc chính xác và đáng tin cậy, giúp ngành chức năng giám sát, phát hiện, kịp thời cảnh báo sớm về sự cố môi trường. Đối với các DN hoàn thành lắp đặt QTTĐ, qua theo dõi, ngành chức năng nhận thấy, tiêu chuẩn xả thải cơ bản đạt theo quy định.

Thời gian qua, Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) được đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện tiếp nhận dữ liệu quan trắc từ các DN trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) được đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện tiếp nhận dữ liệu quan trắc từ các DN trên địa bàn tỉnh.

Còn những khó khăn...

Mặc dù xác định rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc lắp đặt QTTĐ, song trong quá trình triển khai, các DN vẫn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo đại diện một số DN chưa hoàn thành lắp đặt QTTĐ như: Công ty CP Nhật Anh; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh; Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ... khó khăn chủ yếu là tài chính. Bởi kinh phí đầu tư mới hệ thống thiết bị QTTĐ tiêu tốn từ 2-5 tỷ đồng do phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể nhiều thiết bị dễ bị hư hỏng do phải vận hành trong điều kiện khắc nghiệt, khác biệt khí hậu. Trung bình chi phí để vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.

Ông Trịnh Quốc Lộc, cán bộ phụ trách an toàn môi trường, Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI, chia sẻ: Do vận hành trong môi trường khắc nghiệt nên một số thiết bị đo bụi, đo áp suất, bộ phân tích khí... của hệ thống QTTĐ hay bị hỏng. Để thay thế thiết bị này thì phải nhập khẩu với kinh phí cả tỷ đồng. Chưa kể trong thời gian chờ có thiết bị thay thế, DN phải thuê đơn vị thứ 3 thực hiện đo quan trắc tại chỗ 2 tuần/lần theo quy định làm cho chi phí sửa chữa bị “đội” thêm.

Theo quy định cũ, các công ty chỉ phải lắp đặt thiết bị QTTĐ nước thải sau xử lý. Tuy nhiên, quy định mới hiện nay buộc phải lắp thiết bị quan trắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong khi mỗi cơ sở có rất nhiều loại nước thải nên nếu mỗi vị trí đầu vào phải có thiết bị quan trắc nước thải tự động thì rất tốn kém. 

Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, kiến nghị: DN mong muốn Nhà nước có nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hệ thống QTTĐ.

Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ: Mặc dù đã lắp đặt QTTĐ nước thải và khí thải từ năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chúng tôi khó mua, lắp đặt; trong quá trình thực hiện thì Nghị định 40/2019 của Chính phủ yêu cầu bổ sung thêm một số thiết bị quan trắc nên Công ty phải tạm dừng thi công để đàm phán, ký kết lại hợp đồng với nhà thầu.
Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ: Mặc dù đã lắp đặt QTTĐ nước thải và khí thải từ năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chúng tôi khó mua, lắp đặt; trong quá trình thực hiện thì Nghị định 40/2019 của Chính phủ yêu cầu bổ sung thêm một số thiết bị quan trắc nên Công ty phải tạm dừng thi công để đàm phán, ký kết lại hợp đồng với nhà thầu.

Ở khía cạnh khác, nhiều DN cho rằng trước bối cản gặp nhiều khó khăn hiện nay (ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới diễn biến khó lường) thì quy định lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động nên hướng vào trọng tâm là kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý, chứ không cần thiết giám sát nước thải đầu vào.

Những khó khăn kể trên của DN trong tỉnh cũng là những vướng mắc của không ít DN trong nước gặp phải khi lắp đặt QTTĐ. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đến hết ngày 31/12/2021 (thay vì 30/12/2020 theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP). Sau đó, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời gian hoàn thành cho các DN thuộc diện lắp đặt QTTĐ đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Như vậy, thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ lắp đặt QTTĐ, ngành chức năng của tỉnh cũng cần xem xét, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các DN, đồng thời kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh về quy định lắp đặt QTTĐ cho phù hợp hơn; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn nữa về công nghệ, thiết bị lắp đặt... nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN. 

Quan trắc tự động là hệ thống các thiết bị (thiết bị hiển thị, ghi nhận dữ liệu và kết nối với các đầu đo kỹ thuật số; máy lấy mẫu nước thải tự động; bộ thiết bị xử lý và truyền tín hiệu...) được lắp đặt phía sau các hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải. Nhờ hệ thống này mà lưu lượng cùng với nhiều thông số chỉ tiêu quan trắc khác sẽ được đánh giá phân tích, truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.