Người dân hài lòng với chính quyền

Nguyễn San 08:22, 14/05/2023

Chỉ số hài lòng (SIPAS) về sự phục vụ hành chính của tỉnh Thái Nguyên mấy năm gần đây luôn đứng tốp đầu trong bảng xếp hạng. Năm 2022, chúng ta đã vượt lên đứng thứ 2/63 tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, qua khảo sát, trên 99% người dân được hỏi đều khẳng định không có tình trạng công chức Nhà nước gây phiền hà, sách nhiễu và không xảy ra tình trạng phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.

Người dân đến đăng ký giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh T.L
Người dân đến đăng ký giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh T.L

Kết quả trên được đánh giá thông qua cuộc điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ đối với 1.800 hộ dân sinh sống tại 3 địa phương trong tỉnh là TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và huyện Định Hóa. Cơ quan khảo sát đã lựa chọn 18 xóm, tổ dân phố, gồm: Phường Phan Đình Phùng, xã Cao Ngạn, xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên); phường Thắng Lợi, phường Bách Quang và xã Bá Xuyên (TP. Sông Công); thị trấn Chợ Chu và 2 xã Phú Đình, Bảo Cường (Định Hóa), mỗi xóm, tổ dân phố chọn 100 hộ dân.

Trong 8 nhóm tiêu chí đo lường, nhận định, đánh giá của người dân có hai nhóm được đặc biệt quan tâm bởi kết quả hài lòng rất cao, đạt trên 99%. Đó là tiêu chí về tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Khảo sát cho thấy, chỉ có 0,21% người dân được hỏi cho rằng vẫn còn tình trạng một số công chức gây phiền hà, sách nhiễu và cũng chỉ có 1,03% người được hỏi cho rằng còn tình trạng một số người dân phải trả tiền ngoài quy định.

Tuy các nhóm tiêu chí này chỉ mang tính tham khảo, nhưng kết quả khảo sát trên phần nào cho chúng ta thấy kỷ cương, công vụ hành chính và đạo đức cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có chuyển biến rất tích cực. Đây là nền tảng tạo dựng niềm tin ngày càng lớn của nhân dân đối với chính quyền các cấp.

Cơ quan chuyên môn cũng chỉ ra rằng, Chỉ số SIPAS của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đã đạt tới 86,26%, cao hơn khoảng 6% so với tỷ lệ hài lòng trung bình cả nước, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành, xếp thứ 1/14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Theo đó, mức độ hài lòng về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2 cả nước do chính quyền cung cấp thông tin, giải thích các chính sách đầy đủ, dễ hiểu, dễ thấy, dễ thực hiện. Mức độ hài lòng về cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, mức độ hài lòng đối với chất lượng chính sách và kết quả, tác động từ chính sách của tỉnh đều xếp thứ 3 cả nước…

Kết quả trên đã phản ánh khá đẩy đủ thực tế mức độ hài lòng của người dân Thái Nguyên với chính quyền địa phương và sự cải thiện tích cực của tỉnh trong cải cách hành chính.

Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người dân sẽ thay đổi theo từng thời điểm và phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, tinh thần, thái độ, sự tận tâm phục vụ của cán bộ, công chức và chính quyền các cấp đối với nhân dân.

Mới đây, thông báo Kết luật phiên họp thứ tư - Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ có đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (trong thực hiện thủ tục hành chính) đạt trên 85%; đến năm 2025 phấn đấu đạt trên 95%. Đây được xem là mục tiêu không dễ thực hiện, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể hoàn thành.