Thời điểm này, nhiều cửa hàng đã bày bán bánh nướng, bánh dẻo và đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu. Nhằm góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng bánh trung thu bày bán tại Siêu thị GO! (TP. Thái Nguyên). |
Thời điểm này, trên các tuyến phố, cửa hàng kinh doanh, siêu thị trong tỉnh đã ngập tràn màu sắc của các loại bánh trung thu, với các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị và các loại bánh kẹo, nước giải khát… phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, giá các loại bánh không có nhiều biến động, dao động từ 50-200 nghìn đồng/chiếc và từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/hộp, tùy loại và kích cỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh các cửa hàng kinh doanh sản phẩm đảm bảo chất lượng, vẫn có có một số cá nhân kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử như tại nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ có bày bán các sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm, không có hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, trong những ngày đầu ra quân kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa dịp Tết Trung thu, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 đã phát hiện và yêu cầu tiêu hủy một số sản phẩm bánh, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 12-9, qua kiểm tra đột xuất tại cửa hàng tự chọn Kiên Chi, ở tổ 4, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), lực lượng QLTT đã phát hiện 141 chiếc bánh bông lan không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội đã buộc chủ cửa hàng phải tiêu hủy số hàng hóa nói trên và xử phạt vi phạm số tiền 1,5 triệu đồng.
Cán bộ Đội QLTT số 2 giám sát việc tiêu hủy mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập lậu. |
Còn trong ngày 13-9, Đội kiểm tra đột xuất tại cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em của gia đình ông Đào Mạnh Công, ở đường Ga Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 200 sản phẩm đồ chơi trẻ em, đèn trung thu do nước ngoài sản xuất, được chủ cơ sở nhập trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, là hàng nhập lậu. Đội đã xử phạt hộ kinh doanh số tiền 5 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa với tổng trị giá 18,5 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2, cho biết: Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, Đội đã ra quân kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý. Đối với mặt hàng bánh trung thu, đơn vị tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất về nguyên liệu, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm… Còn đối với các cơ sở kinh doanh, đơn vị sẽ kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng.
Không riêng bánh kẹo, đồ chơi trẻ em cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu. Bên cạnh những đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ chú tễu…, các loại đèn lồng phát sáng, ô tô điều khiển, búp bê có cánh, đèn lồng hình thú, trống lắc… cũng được bày bán với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp, bắt mắt. Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn bày bán, gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ em.
Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Đội phó Đội QLTT số 4: Trong dịp này, chúng tôi chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em; kiểm soát các mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại, gây kích động bạo lực.
Cùng với công tác kiểm tra, lực lượng chức năng cũng kết hợp tuyên truyền chính sách pháp luật tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong trao đổi, cung cấp thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin